Sau mấy hôm vật vã vì ốm đau, hôm nay lại có chút thời gian để tiếp tục viết. Cảm hứng của entry này từ lâu rồi, nhưng mà sau hôm đầu tuần gặp mấy bạn trong lớp có nói chuyện về việc làm – chủ đề hot với lứa sinh viên vừa ra trường như mình – thì mới quyết tâm hạ phím để viết về vốn kinh nghiệm ít ỏi.
Table of Contents
Tìm việc ở đâu
Trong đầu các bạn khi tìm việc, đặc biệt là ở các khu đô thị, thành phố thì sẽ hiện lên hình ảnh của mạng internet. Nhưng mình thấy nhiều bạn không biết chính xác là ở đâu, mặc dù Google luôn có sẵn. Dưới đây mình sẽ liệt kê một số nguồn thông tin (từ internet) mà mình thấy nhiều việc và hiệu quả:
+ Vietnamworks: trang web này về tuyển dụng có thể nói là top đầu của Việt Nam. Với sinh viên vừa ra trường, trên trang web này có việc nhưng mà không nhiều. Trang web này theo mình là tập trung vào việc tập trung tuyển dụng lứa nhân viên thuộc hàng trung cấp, tức là có khoảng 2-5 năm kinh nghiệm. Sinh viên vừa ra trường như mình (không phải thuộc dạng siêu nhân) thì không nên quá tập trung ở trang này. Mặc dù vậy, tốt nhất là vẫn nên tạo hồ sơ trên đây. Mình cũng đã có công ty mời đi phỏng vấn từ trang này.
+ Vieclam.24h.com.vn: trang web này thì cũng khá là đình đám và có sức hút cũng ghê gớm, nhưng đối tượng theo mình quan sát chủ yếu là dành cho đối tượng còn non kinh nghiệm (từ 0-1 năm kinh nghiệm) hoặc là làm bán thời gian. Vì thế, với sinh viên vừa ra trường có lẽ nên tập trung vào trang này là khá phù hợp.
+ LinkedIn: trang này thì là của Mỹ đây, rất là đình đám, có khá nhiều công việc, tuy nhiên việc làm thì thường tập trung vào đối tượng trung cấp và cao cấp của công ty thôi. Ngoài ra, ngôn ngữ trao đổi trên trang này thì mình thấy đến 90-95% là tiếng Anh, trở ngại khá lớn với nhiều sinh viên vừa ra trường.
+ Các web khác: kiểu như là kiemviec.com, timviecnhanh.com, careerlink.vn… nếu có thời gian thì cũng nên làm tài khoản và đăng hồ sơ lên tất cả các trang. Thường xuyên ghé thăm các trang này để cập nhật tình hình công việc được đăng.
Viết CV (hồ sơ xin việc)
Về nội dung cơ bản của một CV thì mình không nói thêm ở đây. Tác dụng của CV là không chỉ để bạn nộp trực tiếp cho công ty mà còn để lấy nội dung đưa lên các trang tuyển dụng. Chuẩn bị CV rất là quan trọng vì người tuyển dụng chỉ căn cứ vào CV để đưa ra quyết định có cho bạn vào vòng phỏng vấn hay test tiếp theo không.
Ở đây, mình sẽ nhấn mạnh ở một vài điểm mà có thể làm cho CV của bạn phù hợp và ấn tượng hơn với công việc.
+ Viết từng nội dung phải rõ ràng, rành mạch, hết mỗi ý tốt nhất là xuống dòng. Một đoạn thì chỉ nên tóm lại 2 đến 3 câu là cùng. Mình xem hồ sơ trên mạng, nhiều bạn viết rất là chểnh mảng: nội dung, thành tích nhiều nhưng mà viết lượt thượt, không có xuống dòng, không có đánh dấu đầu dòng bằng các ký tự như gạch hang (-) hay dấu cộng (+).
+ Viết các nội dung liên quan đến công việc, không nên khoe khoang cả những thứ chả can hệ gì đến công việc. Ví dụ như: nộp hồ sơ vào vị trí nhân viên kinh doanh, thì lại khoe khoang các chứng chỉ về kế toán hay ngân hàng. Nếu là nhà tuyển dụng thì theo bạn sẽ nghĩ như thế nào về trường hợp này? Mình thì sẽ nghĩ rằng cô (cậu) này chắc là xin vào làm kinh doanh chỗ mình chắc là do chưa tìm được việc ở Ngân hàng thôi, nên chả sớm gì muộn sẽ nhảy khỏi công ty mình.
+ Các thành tích (nếu có) thì nên nêu ra dưới dạng con số tăng (giảm) % hay tăng (giảm) n lần… Ai cũng vậy sẽ đều ấn tượng bởi những con số rõ ràng chứ không phải một lời nói chung. Bạn cứ so sánh hai câu phát biểu này sẽ rõ: “kể từ khi tôi làm việc, doanh số ở bộ phận tôi có xu hướng tăng qua các tháng” và “kể từ khi tôi làm việc, doanh số ở bộ phận tôi hàng tháng tăng trưởng 10%”.
+ Nếu để gửi trực tiếp đến công ty thì nên dựa vào các yêu cầu công việc mà viết CV cho thật sát với các yêu cầu đó. Có thể hiểu đơn giản là bạn dùng cách nói khác, cách viết khác, từ ngữ khác… để mô tả bản thân mình cho “thật sát” với công việc, nhưng tránh viết lại y sỳ yêu cầu công việc. Viết thế này cũng giống như khi viết essay, cùng một nội dung, để phong phú thì viết theo cách khác hoặc dùng từ đồng nghĩa.
Kiểm tra tính xác thực của công ty
Tại sao lại phải kiểm tra tính xác thực? Vì nhiều công ty làm ăn gian lận, họ không có việc gì ngoài việc mời bạn đến để… lừa. Điển hình là các dạng Muaban24 hay Thiên Ngọc Minh Uy…
Nếu bạn chủ động nộp hồ sơ cho một công ty nào đó thì nên tìm hiểu trên mạng đã nhé. Cách đơn giản là gõ đầy đủ tên công ty vào Google. Nếu nó có website thì nên tìm hiểu các mặt hàng của nó, phần giới thiệu về công ty, thông tin liên hệ. Là công ty hoạt động thật và có uy tín thì các thông tin này rõ ràng và chính xác. Ngoài ra, cũng nên chú ý các thông tin tuyển dụng mà công ty post lên, họ sẽ viết chi tiết và tỉ mỉ cho các nội dung như yêu cầu và mô tả công việc.
Còn khi công ty đọc hồ sơ của bạn trên các trang tuyển dụng và gọi cho bạn thì kiểm tra như thế nào? Theo mình để ý thì đầu tiên là họ sẽ phủ đầu kiểu như: anh/chị từ công ty X, chắc là em biết? Nếu mình biết thì không vấn đề gì, nếu không biết thì họ sẽ giải thích thêm qua về công ty như làm về cái gì, và có thể thêm một vài câu PR nữa cho thêm phần uy tín. Tiếp theo, họ sẽ cho biết là công ty cần tuyển vị trí Y và đề nghị mình đến phỏng vấn hoặc kiểm tra. Khi đó, bạn hỏi thêm các thông tin kiểu như việc làm cụ thể nếu mình được tuyển dụng là gì, hay địa chỉ công ty ở đâu, họ sẽ đều nói cho bạn. Công việc tiếp theo là kiểm tra lại trên Google (hoặc người quen).
Ngược lại, các đối tượng lừa đảo thường sẽ không dám nêu tên công ty, rồi hỏi cụ thể công việc sẽ vòng vo, không trả lời. Đó là trường hợp mình gặp với vài “bạn” từ trang muaban24.vn.
Tổng kết
Để tìm được việc thì bạn không chỉ lên mạng tìm thông tin tuyển dụng mà phải chủ động đưa cả thông tin của mình lên các trang tuyển dụng, và có càng nhiều kênh thì càng tốt. Viết CV thì tập trung đưa các thông tin liên quan tới công việc và viết thật rõ ràng.