Một event (workshop) nho nhỏ về đề tài mà các start-up rất quan tâm: Growth Hacking, có một cái tên rất là hấp dẫn “Launch Academy: Workshop Growth Hacking – Cách marketing tiết kiệm cho doanh nghiệp”. Chi phí cho 2 tiếng rưỡi workshop này là 300k: một mức giá vừa rẻ và vừa đắt. Rẻ là ở chỗ thông tin và trải nghiệm của diễn giả đem lại, đắt ở chỗ khi so sánh nội dung với các chương trình khác. Dù thế nào, nếu cho lựa chọn lại, mình cũng sẽ sẵn sàng bỏ tiền và tham gia workshop.
Anh Hải (Hồ Việt Hải) bắt đầu event bằng câu nói: Đừng tin tôi. Mình cũng không bao giờ tin 100% những lời lý luận, kinh nghiệm của những người khác, mà chỉ luôn coi đó là một case study hay một hướng suy nghĩ cho mình học hỏi. Lý do thì đơn giản: trong cái môi trường luôn biến động và thay đổi của giới công nghệ thì cần rất nhiều sự sáng tạo – đặc biệt là với Growth Hacking. Bạn bắt chước ai đó cái gì thì đối thủ của bạn cũng sẽ như vậy. Luôn đặt câu hỏi và tìm cách thử nghiệm để biết nhận định đó đúng hay sai với doanh nghiệp (tổ chức) của mình, với khách hàng của mình hay với giai đoạn phát triển của mình.
Câu chuyện Growth Hacking của Lazada
Anh Nguyễn Hồng Phúc làm vị trí kiểu tech marketing cho bên Lazada từ ngày đầu đã gợi mở những hướng mới và cách suy nghĩ mới về Growth Hacking. Growth Hacking không chỉ đơn giản là nghĩ ra cách truyền tải thông điệp, tìm cách tiếp cận người dùng với chi phí cực kỳ thấp, mà có thể nó đơn giản là quá trình tối ưu giữa bên Business và Tech.
Theo như anh Phúc, team Lazada (Việt Nam) lúc đầu là 30 người, thời gian đầu tiên chỉ tập trung build website, để có thể launch trong thời gian sớm nhất. Trong 6 tháng đầu, họ KHÔNG sử dụng bất cứ tool ERP nào, chỉ sử dụng dùng Google Drive, khai thác hết các tính năng liên quan của nó, đặc biệt là tính năng cộng tác. Thậm chí cácquy trình đặt hàng, confirm đơn hàng, v.v. cũng là qua Google Docs để các phòng, các team liên hệ nhau. Trong 6 tháng đầu thì sử dụng Google Drive rất hiệu quả và đáp ứng được nhu cầu của cả team vì số lượng đơn hàng nhỏ và team chỉ có 30 người.
Sang đến giai đoạn tiếp theo, Lazada phát triển, số lượng nhân viên lên tới 300 người và số lượng đơn hàng cũng tăng lên khủng khiếp thì lực cản xuất hiện: vấn đề Business Process cho các hoạt động kinh doanh, cộng tác. Vì vậy một người ở trong team Lazada đã đề xuất tập hợp một team gồm những người có mind-set cả về Business và Tech. Nhiệm vụ của team này là đi thu thập các ý kiến của các phòng ban, và ngồi tập hợp chuyển sang team Tech (IT) để tự xây dựng tool của chính Lazada, đáp ứng nhu cầu của chính mình,ko đi mua phần mềm ERP ở ngoài. Tất cả khúc mắc và quy trình sẽ được đơn giản nhất tới mức tối đa bằng cách sử dụng công nghệ.
Ý kiến cá nhân: Về cái này, nếu ai quan sát có thể thấy là sau khoảng gần 1 năm, Lazada không confirm đơn hàng bằng điện thoại nữa, mà tất cả là tự động qua email và SMS.
Một câu chuyện khác về các từ khóa “not-provided”. Bên Lazada đã build một tool để xử lý vấn đề “not provided” trong SEO và Google Analytics, bằng cách lấy dữ liệu từ Google Webmaster Tool để đẩy sang Google Analytics. Theo thông tin từ anh Phúc: tỷ lệ từ khóa “not-provided” chỉ còn 15% (trong khi tỷ lệ trung bình các site khác là tới 60% – 85%, sắp tới sẽ là 100%). Lazada đầu tư công sức để giải quyết vấn đề này để theo dõi các từ khóa, xác định nhu cầu, biến động trong xu hướng, v.v. Từ đây, họ mới ra quyết định kinh doanh sản phẩm gì, tập trung vào sản phẩm gì để đem lại hiệu quả cao nhất.
Ý kiến cá nhân: Thời gian đầu xuất hiện trên thị trường, Lazada đổ tiền “rầm rập” vào các kênh trả tiền, có lẽ mục tiêu của họ là vừa branding vừa để tìm hiểu nhu cầu và xu hướng thị trường. Bây giờ họ có dữ liệu đủ rồi, nên không đánh “mass”, không dồn dập nữa, ít quảng cáo hơn, và chắc hẳn là đang tối ưu.
Câu chuyện của Not A Basement Studio
Anh Hiếu Trần, một co-founder, có chia sẻ về nhiều vấn đề khi xây dựng và thực hiện quảng bá (bằng growth hacking) cho app, nhưng cái mình nhớ nhất có lẽ là một ý như này: bạn cần phải hiểu sản phẩm, hiểu lĩnh vực mình đang làm, nếu không thì sản phẩm có đẹp đến mấy, UX/UI có tốt thế nào cũng không thành công được.
Ví dụ, anh Hiếu và team lúc đầu làm một cái app về truyện tranh manga vì các app đọc Manga lúc đó quá tệ. Đam mê với truyện tranh manga, sử dụng sản phẩm hàng ngày… giúp team hiểu được người dùng cần gì. Sản phẩm ngày đạt được sự ổn định và đến nay có ít nhất 3 triệu lượt download trên Apple Store. Sau sự thành công của sản phẩm đầu tiên, team tập trung vào làm sản phẩm thứ hai về các truyện tranh ở Mỹ. Sản phẩm này thất bại, đơn giản vì team chỉ làm ra sản phẩm với các tính năng và giao diện đẹp, nhưng lại không sử dụng app và không đam mê với loại truyện tranh đó nên không biết người dùng cần gì để điều chỉnh.
Link tham khảo
- Event trên Facebook: https://www.facebook.com/events/194887120694493/?ref=2&ref_dashboard_filter=calendar