Chuyên mục
Chuyến đi

Hành hương Yên Tử

Một chuyến đi được tổ chức nhanh chóng, gọn nhẹ, bắt đầu rời nhà từ 5 giờ sáng tới 11 giờ đêm đã về tới nhà, lắm đoạn giống trong trong phim hành động kiểu Mỹ. Cả nhóm có mặt ở bến xe Mỹ Đình từ lúc 5 giờ sáng, vậy mà phải tầm 6 rưỡi mới bắt được xe. Lúc đầu, lên xe của Ka Long, được khoảng 30 phút, bọn tài xế bảo xe không xuất phát được, lềnh dềnh chuyển sang xe khác cũng của Ka Long với giá không kém gì máy chém là mấy. Về sau, chuyển sang xe Kumho thì ngồi sướng khỏi phải nói, thái độ dễ chịu và còn hơi “sốc” khi mà hãng xe này còn đầu tư cả một khu cho khách nghỉ ngơi giữa chặng ở Chí Linh. Tưởng là hết duyên với Ka Long, ai dè vẫn gặp ở đoạn cuối của chuyến đi.

Đến nơi để xuất phát leo lên đỉnh Yên Tử chắc cũng tầm 10h. Nhìn sang khu có cáp treo, đinh ninh là: À, chắc người ta đi cáp treo hết, mình leo bộ chắc vắng người lắm. Ai ngờ, đời chưa khi nào như mơ cả. Đoạn đầu đi lên thì không có gì nhưng càng về sau thì cảnh tượng chen chúc nhau thấy ghê người: trèo lên cả thành lan can, rồi đu lên cả dây điện để leo lên. Nhìn cái hình ảnh dòng người ùn ùn kéo nhau lên như thế làm mình liên tưởng tới lần đi Đền Hùng cách đây vài năm, nhưng ở Yên Tử này thì còn kinh di hơn.

Ùn ùn lên đỉnh Yên Tử
Ùn ùn lên đỉnh Yên Tử


Đoạn cuối cùng leo lên tới đỉnh Yên Tử, nơi đặt chùa Đồng – điểm linh thiêng nhất của Yên Tử, thì còn chật chội và nguy hiểm hơn nữa. Để leo đến được tới chùa Đồng thì phải leo lên các tảng đá chênh vênh, bình thường cũng đã khó thì hôm nay còn khó hơn vì nhiều người cũng “máu” như mình. Vật vã lên tới nơi thì cũng không thể len vào mà chạm được vào chùa Đồng. Ai mang lễ lên và cực kỳ “máu chiến” mới có cơ hội tiến sát và đặt lễ ở chùa Đồng, thực chất là một khối đồng chỉ chừng khoản 20m2. Mình thôi, được thấy chùa Đồng cũng đã là “máu chiến” lắm rồi. Nán lại ở trên đỉnh chênh vênh đó một tẹo thì còn được chiến kiến màn “cọ” tiền vào chùa để lấy may, có lẽ vì thế mà ở giữa sương núi treo leo nhưng chùa vẫn sáng loáng chăng? Lại còn có những người, không tiến sát được chùa Đồng để đặt tiền lễ, thì vo lại và… đáp thẳng vào chùa!?

Chen chúc trên chùa Đồng, kèm theo màn vo tiền và… đáp!
Chen chúc trên chùa Đồng, kèm theo màn vo tiền và… đáp!

Đó là về con người. Còn nói về các bậc cao nhân thì phải nói là mình rất phải khâm phục nhà vua Trần Nhân Tông xưa kia bỏ quyền cao chức trọng, lên vùng núi hiểm trở này để tu hành. Đường đi bây giờ đã dễ hơn bao nhiêu, chứ cách đây mấy trăm năm mà lên tới tận đỉnh này để sống và tu hành, dẹp bỏ chuyện thế gian thì quả là kỳ tích. À, nhưng cũng phải nói luôn, cái chùa Đồng nặng cả chục tấn như thế cũng mới được đưa lên để cho người dân cúng bái thôi, còn thực ra thì thuở sơ khai của nó chỉ là cái am nho nhỏ mà nhà vua Trần Nhân Tông tu hành. Ngoài ra ở đoạn dưới chân leo lên đỉnh Yên Tử còn có một địa danh với một truyền thuyết hơi đáng sợ: chùa Giải Oan và suối Giải Oan. Sở dĩ có tên gọi này là vì khi nhà vua Trần Nhân Tông lên Yên Tử tu hành thì các cung tần mỹ nữ đã lên đây để xin ngài quay về với việc triều chính, nhưng không được nên đã trầm mình xuống suối tự vẫn. Nghĩ ra việc thành Phật của ngài cũng tổn hại đến nhiều sinh mạng quá.

Dù có vất vả một chút, nhưng đến đoạn đi xuống thì cảm thấy không khi thật trong lành và khung cảnh thì ngoạn mục, khiến mình liên tưởng một chút về hình ảnh của đợt đi Fanxipang.

Khung cảnh núi non từ trên núi Yên Tử
Khung cảnh núi non từ trên núi Yên Tử

Đoạn cuối cùng về nhà mới hồi hộp: xuống tới chân núi tầm hơn 6 giờ tối, không có một xe nào để bắt ra ngoài đường quốc lộ đi về Hà Nội. Sau một hồi tìm kiếm, cả nhóm leo lên xe ôm để đi ra ngoài quốc lộ. Ngồi sau xe ôm, đi trong trời tối ở đường rừng làm mình liên tưởng về những thời khắc đi trong đêm ở lần đi Apachai (haha, liên tưởng tới nhiều thứ quá). Bụp! Đang liên tưởng thì xe thủng xăm, phải đợi một lúc thì mới có xe ôm khác để ra ngoài đường quốc lộ. Ra đến nơi thì lên luôn một chiếc xe mà các bạn trong nhóm đã níu lại để chờ mình, chỉ chậm thêm vài phút nữa thôi thì chiếc xe đó đi mất tiêu rồi. Và rồi xe này chính lại là xe của hãng Ka Long: tình cảnh không khá hơn là mấy, thay vì cho mình về bến xe Mỹ Đình thì đưa về bến xe Lương Yên, làm cả nhóm phải làm vài vòng Hà Nội mới lấy được xe và trở về nhà.

Chuyến đi kết thúc với tâm trạng thề là sẽ không bao giờ can hệ tới bọn nhà xe Ka Long nữa và rút ra bài học “dù đi ngược về xuôi, chớ nên đi ngày lễ hội làm gì, chẳng tận hưởng được không khí gì ngoài chen chúc”. Vì lẽ đó, hôm nay là dịp nghỉ 5 ngày mà mình ngồi nhà, viết lại về chuyến đi cách đây hơn 2 tháng đây!

Link:

  1. http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/180439/phong-su-anh-duc-moi-chua-dong.html
  2. http://vi.wikipedia.org/wiki/N%C3%BAi_Y%C3%AAn_T%E1%BB%AD

Gửi phản hồi