Ngay sau lần đi Thanh Hóa thì mình lại gói gém ba lô, đồ đạc đi cùng với đồng chí Ngọc, dưới tư cách là trợ lý hướng dẫn tour. Theo đúng lịch trình, sau khi dẫn khách đi Hạ Long thì sẽ sang đảo Cát Bà để dẫn một tour khác, vì thế mình rất háo hức khám phá đi khám phá, trekking Vườn quốc gia Cát Bà. Cuối cùng, hơi buồn chút, tour sang Cát Bà bị hoãn, và chỉ vui chơi ở Hạ Long.
Các vị khách của tour lần này cũng rất đặc biệt: toàn các em trai, em gái ở lứa tuổi 92, 93 và 94 thích đi nghỉ dưỡng. Vịnh Hạ Long thì rất lâu rồi, chắc phải đến gần 10 năm, mình không quay lại. Nói chung là rất ngóng chờ, lại đi với vai trò là “người tổ chức” nên chờ đợi những trải nghiệm khác lạ khi phải phục vụ người khác.
Sau khoảng 4 tiếng đi trên ô tô, cả đoàn tới được Hạ Long. Nghỉ ngơi đến chiều, ra ngoài bãi biển, tưởng là tắm được ngon lành, ai dè hình như vào đúng rằm nên nước dâng cao tới sát mép bờ, gần như không có bãi cát, lại cộng thêm nước biển thì đục ngầu, rác lại nhiều, du khách thì đông đúc… mất hết cảm hứng để tắm biển, đành ngồi ngắm biển thế này.
Thực sự là ở Hạ Long mấy ngày mình không mê được cái kiểu “chặt chém“ và thái độ không tốt với khách du lịch, với lý do: đây là khu du lịch mà em, lại còn là Kỳ quan Thiên nhiên Thế giới, ở đây giá còn tốt hơn Cửa Lò đấy em !!? Đây là giọng điệu của mấy anh trông coi ghế ở ngoài bãi biển.
Đi ăn hải sản, ngay cả ở sâu bên trong thì các bạn cũng bị “chém” nhiệt tình. Ví dụ đơn giản, ngao tính 80k một kg, trong khi ở ngay tại Hà Nội cũng chỉ 20k. Buổi tối đi ra khu bưu điện để làm tí ốc biển ở mấy quán ven đường, nhưng về sau ngã ngửa ra vì cũng bị “chém” rất nhiệ tình: một cái đĩa ốc nhỏ xíu, tính 70k, trong khi đó ăn 5 đĩa thì có tới 2 đĩa là ốc bị hỏng.
Ở Hạ Long này, đồng chí Ngọc giới thiệu cho món Hào sống ăn với chanh, tương ớt và mù tạt, kễ cũng bõ cho cả chuyến đi. Hào còn sống và tươi, cậy nắp và vắt chanh, cho tương ớt, mù tạt vào rồi hút một phát: vị cay của mù tạt và vị tươi ngon của Hào kết hợp lại là một cảm giác khó quên.
Được ngày cuối cùng ra ngoài bãi biển ngồi ngắm biển thì… đùng đùng, trời đổ mưa to. Cả lũ ngồi co ro, miệng kêu lanh, ngồi ngắm biển trong đêm. Cũng may là có tiếng hát át tiếng mưa, nhưng rồi không tránh khỏi cảm giác cô đơn, lạnh lẽo… giữa một không gian rộng lớn công với mưa gió như vậy.
Đi cùng với ông bạn quý hóa này mới biết: đến Hạ Long thường có ba loại khách chính: khách Việt, khách Tây và khách Tàu. Khách Việt thì thường đến để nghỉ ngơi nhiều hơn là đi tham qua Vịnh Hạ Long. Khách Tây thì đến để chủ yếu đi ra Vịnh và tìm hiểu về các giá trị đặc biệt có một không hai của Vịnh Hạ Long (giá trị địa chất, giá trị lịch sử, giá trị du lịch, giá trị văn hóa…). Khách Tàu thì thường kết hợp đi tour Hạ Long và Hà Nội, kết hợp cả đi nghỉ ở Hạ Long và ra Vịnh.
Nghề dẫn tour này vào mùa thì kiếm khá, ngoài có tiền dẫn khách còn có tiền giới thiệu nhà hàng, quán ăn, quán lưu niệm, chỗ vui chơi giải trí… nên thu nhập cũng tương đối ổn. Nhưng… một khi hết mùa thì đúng là chết đói nhăn răng. Ngoài ra, người ngoài nhìn vào, ai cũng ước ao được suốt ngày đi đây đi đó như vậy; còn người trong nghề thì lại lắm lúc thấy nản. Lý do thì cũng dễ hiểu, như đồng chí Ngọc này vào đợt cao điểm, nguyên cả một tháng trời gần như ăn nằm ở Hạ Long, hết dẫn tour khách này xong thì lại dẫn tour khách khác đến. Suốt ngày cứ nhìn đi ngắm lại một cảnh vật thì sao mà vui được nữa; đã thế lại còn ngay ngáy lo cho khách ăn ở tử tế, để mà có cơ hội hợp tác tiếp vào những mùa sau.
Kết thúc hai chuyến đi ngắn ngày liên tiếp, giờ là lúc mình chuẩn bị cho chuyến đi mang đậm tính khám phá phía sau.