Chuyên mục
Chuyến đi

BT#10: Cam Ranh, chuyện mưa và Nha Trang

Sau một ngày ổn định chỗ ăn chỗ nghỉ, sang ngày tiếp theo mình và Công đi xuống Cam Ranh, cách Nha Trang khoảng 60km, kết hợp làm việc và đi ghé một vịnh đặc biệt nổi tiếng – Vịnh Cam Ranh.

Một góc vịnh Cam Ranh.
Một góc vịnh Cam Ranh.

Phi xe máy khoảng tiếng rưỡi từ Nha Trang tới Cam Ranh, mình và Công tìm đường để ghé thăm Cảng Cam Ranh. Cái ấn tượng đầu tiên khi tới Cảng Cam Ranh là làn nước biển xanh rì. Địa thế của Vịnh được bao bọc bởi núi kết hợp với cảng biển nước sâu quả thật đúng như lời đồn: cảng biển quân sự thèm muốn của các cường quốc lớn Nga, Trung, Mỹ.

Vịnh Cam Ranh có lẽ dành cho quân sự là chính nên cảng biển rất nhỏ, mình thấy chỉ có hai con thuyền đang neo đậu tại cảng và ăn hàng. Phía xa xa từ chỗ mình đứng có một nơi có toàn mái nhà xanh, có lẽ đây là doanh trại của bộ đội, có khi có cả mấy chiếc tàu ngầm đang ở đó nữa. Ở ngay trên cầu cảng là một bác, mà mình đặt tên “Ông già và biển cả”. Bác đang thả dây câu xuống làn nước xanh và chờ đợi con mồi. Theo như bác nói, ngay chỗ cầu cảng này thôi mực nước cũng rất sâu, cũng phải tầm 13 mét trở lên.

Ông già và biển cả, phiên bản Cam Ranh.
Ông già và biển cả, phiên bản Cam Ranh.

Đến lúc này bắt đầu mới để ý thêm 2 cái tàu đang đậu ở cảng và nhận hàng. Có hai loại hàng hóa chở đến đây bằng xe tải: một là cát trắng, hai là dăm. Hỏi thêm thì hóa ra hai tàu đó đều là tàu của Nhật và đang nhận hàng để chở sang Nhật. Mình hỏi thêm để làm gì? Trời ơi, hóa ra là Nhật mua những thứ này về để làm thủy tinh (cát) và làm giấy (dằm). Nghe mà đau xót nhỉ, Việt Nam không sản xuất được những thứ đó mà Nhật sang đây mua hết những tài nguyên này. Dằm thì là cây còn có thể trồng được, nhưng cát là từ một địa danh My Ca ở gần đó thì sao mà tái tạo lại được? Nói qua về cát My Ca, mình có tìm hiểu thì đây là loại cát có tỷ trọng silicat rất cao, cực kỳ tốt để làm thủy tinh; ngay tại cảng, mình có sờ cát này thì rất mịn và đặc biệt trắng, một cảm giác rất lạ so với cầm các loại cát khác.

Tàu Nhật Bản đang chờ cát và dằm.
Tàu Nhật Bản đang chờ cát và dằm.
Cát My Ca: trắng và mịn.
Cát My Ca: trắng và mịn.
Một bãi tiền chế, xay cắt dằm ở cạnh Cảng Cam Ranh.
Một bãi tiền chế, xay cắt dằm ở cạnh Cảng Cam Ranh.

Đường đi thì đơn giản, như đường đi từ Cam Ranh về lại Nha Trang thì lại quá gay go, quá nguy hiểm. Lúc về gặp một trận mưa to khủng khiếp, lúc đầu, Công bảo là ở đây mưa chỉ 30 phút là tạnh thôi. Thế nhưng, sau 2 lần dừng quán nước để tránh mưa thì không thể chờ đợi được nữa, cả hai mặc kệ trời mưa, phóng xe tầm khoảng 50km dưới trời mưa như trút. Mình ngồi sau mà nước tát vào mặt cho rát tơi tả, nhưng vẫn phóng ít nhất 60km/h. Quốc lộ 1A mà nhiều đoạn nước ngập cả trăm mét, trời mưa to, nhiều xe ô tô đi ghê kinh khủng. Về tới nhà thì cũng là 6 rưỡi, mình mất hơn tiếng đồng hồ cho quãng đường tơi tả này.

Đây là trận mưa to nhất trong lịch sử khoảng nửa năm ở đó của Công. Buổi tối, mình được chứng kiến cái cảnh ngập lụt trên đường phố chính của Nha Trang không khác gì Hà Nội, mình phải thốt lên “Một cảm giác rất Hà Nội, tại Nha Trang”, và nhớ tới câu hát “Nha Trang phố cũng như sông” quá hợp cho khung cảnh này.

Nha Trang phố cũng như sông.
Nha Trang phố cũng như sông.

Kết thúc một ngày đầy cảm xúc bằng bữa nhậu ở gần cầu Trần Phú.

Cầu Trần Phú lung linh trong màn đêm.
Cầu Trần Phú lung linh trong màn đêm.

Gửi phản hồi