8 giờ sáng, sang bến xe Thuận Thảo và mình bắt đầu chuyến đi sang Nha Trang, nơi có ông bạn quý hóa Công béo đang ở đó. Những ngày tươi đẹp, không tốn tiền thuê nhà đang bắt đầu mở ra.
Lúc đầu, mình cố gắng tìm kiếm xem có bạn trẻ nào không (nữ thì càng tốt) để ngồi cùng nhưng không có và đành ngồi cùng một cô cũng đứng đứng tuổi rồi, chắc cũng cỡ tuổi sắp nghỉ hưu. Vậy mà hóa hay, nhưng câu chuyện thú vị từ cô Thanh bắt đầu.
Nghe nói chuyện một lúc, mình thấy cô nói tiếng Anh rất chuẩn. Rất lạ, vì ở tuổi đó mà phát âm các từ tiếng Anh còn hơn cả khối học sinh, sinh viên, mình hỏi thêm hóa ra cô là cô giáo tiếng Anh. Điểm đặc biệt nữa, cô là giáo viên tiếng Anh ở dưới thời Việt Nam Cộng hòa và theo như cô nói, kể từ khi miền Bắc chiến thắng năm 1975 thì cũng là lúc cô bị “mất dạy”.
Mình chắc chắn là cô phải là một giáo viên rất giỏi, chứ không như các giáo viên tiếng Anh ở các trường phổ thông, nhất là ở các trường ở các tỉnh nhỏ. Quả không sai, cô được mời về một trường ở Gia Lai để làm hiệu trưởng. Cô bảo: khi miền Bắc tiến đánh Tây Nguyên thì cô là người cuối cùng ở lại trường, và phát lương cho các giáo viên khi đi sơ tán. Ồ, ai bảo chế độ cũ là xấu hay những con người ở đâu cũng vậy, luôn có người tốt và người xấu? Nhưng mình tin, dù thế nào có chê bai chế độ Việt Nam Cộng hòa đi chăng nữa thì chắc chắn nó cũng những ưu điểm không thể chối cãi, mà vì nó nên rất nhiều người ở miền Nam rất không hài lòng với chế độ mới. Cô cũng có một ít tiền và khâu vào trong một cái áo sơ mi để khoác đi đường, nhưng trong lúc nóng bức thì lại vứt cái áo đi lúc nào không hay, và lại trở thành tay trắng.
Điểm thú vị tiếp theo là việc cứ đến các mùa hè, khi không còn dạy học, cô lại bắt xe đò đi khắp các nơi. Cô kể, mỗi mùa hè cô đi ít nhất là 10 nơi ở khắp miền Nam và miền Trung. Đi tới đâu, cô mua postcard (cô không gọi là thiệp, mà gọi là postcard nhé, nói rất chuẩn nên mình mới suy ra cô giỏi tiếng Anh ở trên) và gửi về chính địa chỉ của cô ở Gia Lai. Sau khi trở về, cô thu thập lại tất cả postcard và lưu lại, như là một thời đáng nhớ. Cô chính thức kết thúc các chuyến đi của mình khi mà sau Giải phóng 1975 cô “mất dạy”, lấy chồng, sinh con và nuôi con.
Ngoài ra có một điểm mà một đứa trẻ người non dạ như mình lần đầu tiên được nghe đến. Ông Cao Kỳ là một Tương Không quan rất giỏi, nhiều người nể phục, nhưng ông lại chính trực quá nên các tên quan tham đố kỵ và ngăn cản bước tiến trong quân đội và chính trường. Cô cũng đặc biệt khen ông Ngô Đình Diệm là một người thực sự vì dân, vì nước Việt Nam Cộng Hòa hồi đó. Ông sống rất giản dị, thậm chí ở Dinh Độc lập (hay Dinh Thống Nhất) ông cũng chỉ nằm võng, không giường ấm đệm êm như những ông tổng thống tham nhũng về sau. Tiếc là ông bị Mỹ và tay sai lật đổ sau đó. Ồ, những cái nhìn thật khác từ con người, thế nào nhỉ, bên kia chiến tuyến trong cuộc chiến tranh kháng chiền chống Mỹ.
Câu chuyện về cô lại thay đổi khi cô nói về người miền Bắc và đặc biệt là người ở Hà Nội. Cái ấn tượng xấu khi mà chỉ đi đoạn khoảng một cây số ở Hà Nội mà cô bị một bác tài nào đó đòi tới 30.000 đồng. Con số 30.000 đồng này là cực kỳ lớn cho quãng đường 1km trong thời điểm những năm 2008. Cô bảo người miền Bắc sống ghê gớm quá và hay làm ăn không trung thực. Ừ, mình cũng thấy vậy và cũng nghe nhiều người sống cả Bắc và Nam đều nhận xét như thế. Tuy nhiên, cô bảo ở đâu cũng có những con người rất tốt. Ví dụ như khi cô phải băng qua đường Trần Khát Chân ở Hà Nội (một con đường to và nhộn nhịp xe qua lại) thì có một người phụ nữ đứng tuổi ra đề nghị dẫn cô sang và luôn che hướng xe cho cô, nếu có bị đâm thì người phụ nữ đó sẽ bị đâm trước. Một hành động thế thôi mà ấn tượng cũng không nhỏ với cô. Trong những ngày sống ở Hà Nội, cô cũng bảo người Hà Nội dường như cũng rất gia trưởng, luôn muốn người theo ý họ vì dường như họ nghĩ người ở phía Bắc là hơn hẳn người miền Nam. Mình cũng công nhận với ý nghĩ này của cô. Kể hơi tội cho người miền Bắc chưa từng vào Nam, thật sự thì cuộc sống trong miền Nam dễ dàng hơn ngoài Bắc rất nhiều. Mình không biết lý có phải do miền Bắc chiến thắng miền Nam nên hình thành những ý nghĩ như vậy?
Cô Thanh theo đạo Tin Lành, có thể nói là một con chiên ngoan đạo. Thực ra, mình thấy tất cả những bạn bè và người mình gặp theo đạo Tin Lành (hay Kitô hoặc Thiên Chúa nói chung) thì đều tốt tính và dễ thương cả. Còn như Cô Thanh thì mình không muốn đánh giá hay chê bai gì, nhưng thấy cái niềm tin vào chúa nó hơi thái quá. Những lời cô giải thích lúc đầu nghe rất là hợp lý: tại sao lại gọi ngày nghỉ là Chúa nhật (về sau lái thành Chủ nhật), vì đó là ngày Chúa sống lại trong tuầ. Tại sao lại gọi là Giáng Sinh, chứ không phải sinh hay hạ sinh; vì đó là chúa được sinh ra chứ chứ không phải con người, ngay cả hoàng hâu sinh con thì cũng gọi là hạ sinh, chứ không gọi là giáng sinh. Tại sao chữ thập màu đỏ là thể hiện cho bệnh viện, vì nó liên quan tới việc Giêsu bị đóng đinh vào cây thánh giá. Tại sao sinh năm 1980 chẳng hạn lại liên quan tới Chúa; vì đó là 1980 năm sau kể từ ngày sinh của Giêsu. Bình thường khi con gnười ta gặp khó khăn thì đều kêu “Trời ơi”, tức là gọi Chúa. Cô cũng bảo, cháu cứ thành thâm xem, chắc chắn Chúa sẽ nghe thấy và giúp. Con việc nữa là cô bảo thuyết tiến hóa không đúng, và chắc chắn là chúa do con người tạo ra. Con người vốn từ cát bụi mà ra, do Chúa quyết định và khi mất đi thì cũng thành cát bụi. Và cô còn bảo, cái thuyết tiến hóa đó chỉ gọi là thuyết, kiểu giả thuyết, lý thuyết thôi chứ không phải là chân lý.
Thực sự, khi nghe đoạn này, mình cứ tròn xoe mắt, mồm há hốc, không biết giải thích sao nữa. Mình thấy niềm tin ở cô quá lớn, nên mình không muốn tranh cãi về việc này. Dẫu sao, ai cũng cần có niềm tin để mà sống. Mình ngoài há hốc mồm, thì lại còn ngạc nhiên vì không ngờ niềm tin này được đưa ra bởi một người có hiểu biết rộng, đi nhiều nơi và ít nhiều có sự va vấp quốc tế.
Cứ như vậy gần 4 tiếng đồng hồ trôi qua, mình đã tới Nha Trang. Chào tạm biệt cô Thanh, xuống xe và gặp ông bạn quý hóa đã tới để đón mình. Xin chào những ngày thành thơi ở Nha Trang, trong đầu đã nghĩ tới biển Nha Trang, cảng Cam Ranh và một điểm không thể bỏ qua Mũi Đôi – điểm Cực Đông của đất nước.