Chuyên mục
Chuyến đi

Một vòng miền Tây

Một chuyến đi kết hợp nhiều việc không chỉ hẳn là “một vòng miền Tây”, mà còn là cơ hội để gặp gỡ họ hàng và người thân. Thực ra mình cũng có đi đến các tỉnh miền Tây vài lần. Tuy nhiên lần này mình đến những nơi mà theo bạn mình và nhiều người chia sẻ là những điểm đến thú vị nhất, đáng đi nhất, phản ánh được hết đặc trưng của miền Tây: An Giang, Cần Thơ và Cà Mau.

Con thuyền và sông nước miền Tây.
Con thuyền và sông nước miền Tây.

Table of Contents

Châu Đốc – An Giang

Đây là một thành phố nhỏ và cũng vừa được mang trên mình cái tên thành phố được vài tháng. Cảm giác khoan khoái đầu tiên đó là ngồi cạnh con sông Hậu và làm cốc nước mía. Nhìn ngắm dòng người đi lại thấy vui ghê gớm, rồi nhận ra một loại xe rất đặc biệt của đất An Giang: xe lôi. Nhìn trông giống như là kiểu lai của xích lô và xe đạp, ngoài chở người thì cũng để chở hàng nữa.

Xe lôi ở An Giang.
Xe lôi ở An Giang.

Điểm lạ lẫm tiếp theo là không hiểu tại sao ở đây lại có nhiều Tây đến vậy? Mở bản đồ ra và phát hiện ra câu trả lời rất đơn giản: kiểu như là một điểm dừng chân cho các khách muốn di chuyển giữa Phnomepenh và Sài Gòn, vì khoảng cách giữa ở đây và Phnompenh chỉ khoảng 60km.

Nói chung là ở trong thành phố không có nhiều thắng cảnh lắm, các điểm đến hướng dẫn hầu như toàn là chùa chiền. Mình thấy có điểm hấp dẫn nhất là Núi Sam. Lên trên đỉnh có thể thấy toàn cảnh thành phố và nhìn được sang đất Cam. Hóa ra là mình gần Cam lắm rồi. Ngoài ra chạy qua đoạn cầu Cồn Tiền có cảnh lồng cá nhìn cũng hay hay. Hết, không có gì nhiều trong thành phố lắm.

Thành phố Châu Đốc nhìn từ Núi Sam.
Thành phố Châu Đốc nhìn từ Núi Sam.

Có lẽ điểm đến đáng nhớ nhất khi ở thành phố là đi tới Núi Cấm – ngọn núi cao nhất miền Tây. Thế nhưng, đây cũng là nới ức chế nhất khi mấy bảo vệ chặn lại không cho lên. Mình phải thuê xe ôm để lên trong khi đã bỏ tiền ra để thuê xe máy, chạy khoảng 25km để tới chân núi. Rồi lại ức chế tiếp việc để lên tới điểm cao nhất thì phải bỏ ra thêm 50k nữa.

Ở khoảng lưng chừng núi là có hồ và không gian xanh mướt, nhìn tưởng là Đà Lạt. Ở đây có bức tượng Phật to nhất châu Á, nhưng khi nhìn vào bên trong thì thật tệ, không gian điêu tàn như là công trường xây dựng.

Không gian Đà Lạt ở Núi Cấm.
Không gian Đà Lạt ở Núi Cấm.

Lên đỉnh Núi Cấm thì cũng thấy được sang bên đất Campuchia. Biên giới là con kênh hoặc thậm chí là một ngọn núi chia đôi. Cảnh mây núi đan vào nhau thấy khá là đẹp.

Đường đến đỉnh Núi Cấm.
Đường đến đỉnh Núi Cấm.

Qua nói chuyện với anh xem ôm thì rõ ràng cuộc chiến với Campuchia vẫn ít nhiều ám ảnh ở đây. Nhưng dân tin vào quân đội phết, tự tin là Campuchia không dám đánh vào vì sẽ bị đánh bật ran gay. Rồi lại lan sang câu chuyện về hàng nghĩa địa mua ở bên Cam, hàng rẻ hơn nhiều hàng ở Sài Gòn và thậm chí còn tốt hơn. Vì hàng ở đây là hàng Thái còn ở Sài Gòn thì đa số là của Trung Quốc, trong khi ở đây thì quá gần với đất Cam.

Quay ngược lại về phía thành phố Châu Đốc, trên đường lớn rẽ vào khoảng 4 – 5 km thì đến được rừng tràm Trà Sư. Phải quanh co lắm mới đến được nơi cần đến vì có mấy cây cầu đang xây lại, lúc quay về còn tý bị lạc đường.

Mình đi không phải vào mùa nước nổi nên không được đẹp lắm, nhưng vẫn đáng đi. Theo chị chèo thuyền, hóa ra, đây không phải là rừng tự nhiên, chủ yếu được trồng từ những năm 80. Giờ không khai thác gỗ hay các tài nguyên rừng nữa mà cho tất cả tự nhiên, con người hạn chế tối đa việc can thiệp. Nếu vậy thì nghe có vẻ kỳ diệu, từ một vùng đất không có gì, con người tạo ra vùng sinh thái cho cò vạc và rất nhiều động thực vật khác sinh sống.

Hình ảnh nổi bật và được chia sẻ nhiều nhất đó là vạt bèo xanh mướt và không gian mát mẻ. Công nhận là đẹp và mát. Về cơ bản thì rừng ở đây giống với Gáo Giồng bên Tràm Chim, Đồng Tháp, nhưng đẹp hơn và to hơn.

Xanh ngắt Rừng tràm Trà Sư.
Xanh ngắt Rừng tràm Trà Sư.

Hôm mình đi, nhìn vào thân cây có thể thấy nước đã giảm phải đến nửa mét so với thời điểm mực nước tối đa. Để giữ nước và đảm bảo khu sinh thái hoạt động quanh nămthì người ta làm bờ và đập, và mở đập cho nước vào khi tới mùa nước, sau đó đóng đập lại khi hết mùa nước để giữ lại nước bên trong khu sinh thái.

Về ăn uống ở Châu Đốc, đọc trên các trang website thì có nhiều món, nhưng mình thấy hấp dẫn nhất là thốt nốt. Ở đây, bán rất nhiều loại trái cây này. Uống vào thì mát và cùi thì mềm, ngon hơn trái dừa.

Long Xuyên – An Giang

Ấn tượng đầu tiên khi tới thành phố này là khá to và giàu có. Nghía qua trên trục đường chính Trần Hưng Đạo (QL nối Châu Đốc – Long Xuyên – Cần Thơ) thì đã có tới ba cái cửa hàng Thế giới di động. Cũng trên đường này thì có Đài truyền hình tỉnh An Giang to và đẹp thôi rồi. Ngoài ra, thành phố này còn có cả đơn vị đầu tư trường quốc tế cấp 1 và cấp 2 nữa.

Vừa tới nơi, mình có ghé qua ngay Khu tưởng liệm Bác Tôn (Tôn Đức Thắng). Cái máy bay để lại ấn tượng sâu đậm nhất khi tới đây, chắc đây là máy bay để chở bác ngày xưa làm việc. Khuôn viên to và rộng, nhiều xây xanh. Các bạn trẻ vào đánh cầu lông, góc khác thì đang “dzô” nhậu nhẹt tưng bừng. Xứng đáng là công viên cho trẻ em chơi bời và người lớn giải trí.

Lúc đầu định đi Núi Sập nhưng không thuê được xe máy nên không đi nữa. Xem lại thì thấy cũng núi non mà thôi, không đi cũng được.

Tối ở đây mình đến Cafe 2! Panda để nhìn ngắm thành phố từ trên cao, nổi bật nhất là Nhà thờ chính tòa Long Xuyên.

Nhà thờ to và đẹp ngay giữa trung tâm thành phố Long Xuyên.
Nhà thờ to và đẹp ngay giữa trung tâm thành phố Long Xuyên.

Cần Thơ

Vừa tới thành phố, mình thuê ngay một cuốc xe ôm chạy vòng vòng trong thành phố: đi qua nhà cổ Bình Thủy, chạy qua trường Đại học Cần Thơ, qua Cầu Thơ và cuối cùng quay trở về bến Ninh Kiều.

Nhà cổ Bình Thủy là nơi đóng phim “Người tình” kể về câu chuyện tình yêu giữa Marguerite Duras và Huỳnh Thủy Lê ở bên Sa Đéc. Mối liên hệ thật kỳ diệu khi mình đã đến nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc.

Nói thật là nhà đẹp nhưng nếu không phải được đưa vào đóng phim thì cũng không nổi tiếng đến mức đâu đâu cũng nói tới là một trong những điểm đến nên tới. Ngôi nhà kết hợp kiến trúc Pháp và Việt. Gia đình ngày xưa cũng phải thuộc dạng có điều kiện mới có thể xây nên được như vậy.

À, nhà cổ này còn có tên gọi khác là vườn lan Bình Thủy nhưng rất tệ về lan, không hiểu sao lại được đặt tên là vườn lan. Nói chung, như nhiều người đã nói, có thể đến hoặc không đến cũng được. Thật buồn cười, khung cảnh đẹp nhất thì lại là ông họa sỹ ngồi vẽ tranh dưới ánh nằng chiều một cách rất thơ mộng.

Vẽ tranh cùng với ánh nắng xế chiều.
Vẽ tranh cùng với ánh nắng xế chiều.

Buổi tối không có gì quá đặc biệt, vào ngay một quán bia để… ăn tối và đi loanh quanh bến Ninh Kiều. Bến Ninh Kiều buổi tối ngồi mát lạnh. Và có một thứ rất nhiều, đó là… các bạn Tây.

Sáng sớm hôm sau, đi cùng một đoàn khách du lịch tới điểm nhấn của sông nước miền Tây: chợ nổi Cái Răng. Giá vé đi vòng vòng trong khoảng ba tiếng chỉ có 120k nhưng vào vườn cây được thưởng thức dĩa hoa quả bé tí xíu với giá 50k. Các bạn làm dịch vụ chém quá chém.

Ừ thì cũng có tý buôn bán trên sông nhưng hình như xưa quá rồi. Thấy thuyền chở khách hoặc làm các dịch vụ du lịch còn nhiều hơn cả những người bản địa ở đây buôn bán. Thời gian thay đổi nên mọi chuyện cũng đang dần đổi thay. Đường bộ và cầu cống đã phát triển hơn rất nhiều, đặc biệt là ở Cần Thơ, nên điều này cũng dễ hiểu.

Buôn bán trên chợ nổi.
Buôn bán trên chợ nổi.

Trong quá trình đi, may mắn là có một bạn hướng dẫn viên nên có vài thông tin thú vị. Tại sao chỉ có miền Tây có chợ nổi? Có hai nguyên nhân chính: nước quanh năm và thời tiết không có bão. Hai điểm này thì miền Trung và miền Bắc đều không có, còn miền Nam thì rõ ràng lại rất hiển nhiên.

Bạn này giải thích việc tại sao người Bắc khó tính, chặt chém và học giỏi hơn so với người miền Nam. Vì người miền Nam với thiên nhiên thuận lợi, họ có thể dễ dàng kiếm sống bằng cách ra sông ra đồng hay cấy trồng đều dễ dàng. Họ sống phóng khoáng hơn, ít lo tới những chuyện xa xôi hơn. Ở miền Bắc, những câu chuyện này thì lại ngược lại, nên con người khó tính hơn, chắt chiu hơn, lo lắng xa xôi hơn và đặc biệt phải quyết tâm học hành để thoát khỏi sự bấp benh. Tuy nhiên, việc “chặt chém” thì mình thấy đó là do ý thức nhiều hơn là việc đổ lỗi cho các đặc điểm thiên nhiên.

Có vài điểm đang tiếc và sẽ cố gắng thưởng thức nếu có dịp quay lại Cần Thơ:

  • Đi Cồn Ấu
  • Ngồi thuyền đi dọc bến Ninh Kiều và nghe ca tài tử

Cà Mau

Xuống tới TP. Cà Mau, định đi rừng U Minh Hạ như mong ước bấy lâu nay, nhưng mình lại đi sai đường, đến một cái chỗ dở hơi nào đó. Chẳng là, mình đi xe bus tới trị trấn U Minh rồi xe ôm dẫn tới một khu du lịch sinh thái đã bị khai thác hết, mình là khách du lịch duy nhất. Chẳng có gì hay ho ở đó, không giống với những hình ảnh khác mình tìm kiếm được trên mạng.

Dù vậy, con đường đi đến chỗ khu dịch đó toàn sông nước xung quanh. Trong đó có một đoạn thì đường đi phủ kín hết như mái vòm, rất mát và đương nhiên là đẹp. Con đường cũng dài nữa, cỡ cũng phải 3 cây số thẳng tắp. Đến bây giờ mới nhớ ra là lúc đó không dừng lại để có lấy một tấm ảnh.

Đến tới đây rồi tìm hiểu thêm, phát hiện ra rằng U Minh Hạ cũng là rừng tràm, giống với Trà Sư (An Giang) hay Gáo Giồng (Đồng Tháp) nên thôi không tìm đường thêm và quay trở về thành phố.

Điểm kết thúc hành trình là đi xuống Năm Căn để gặp anh, rồi đi ra Mũi Cà Mau. Hiện tại chưa có đường để đi xuống tận mũi Cà Mau từ Năm Căn nhưng đang xây dựng, có lẽ năm sau sẽ đến được. Khi đường hoàn thành rồi có khi lại không hay. Mình thấy đoạn đi tàu khoảng một tiếng rưỡi từ bến phà Năm Căn cho tới tận Đất Mũi rất đáng giá: khung cảnh nhà dân ngay sát bờ sông, rừng đước bạt ngàn hai bên đường đi. Vì là khu cửa biển nên người ta đánh bắt ngay trên sông, nhìn khá lạ, không rõ dụng cụ đó gọi là gì: đáy, vó hay dom?

Nhà dân san sát trên sông, ngay bên cạnh là rừng đước.
Nhà dân san sát trên sông, ngay bên cạnh là rừng đước.

Mũi Cà Mau, điểm cực Nam của đất nước, có lẽ là điểm ít thú vị nhất so với các điểm cực khác. Mình thấy rất bình thường, đơn giản là một cột mốc hướng ra biển. Ai đến cũng phải cố mà chụp lấy vài tấm ảnh và tạo dáng chán chê. Với người dân miền Tây, thì ngoài việc tới điểm cực Nam, đây cũng là địa điểm rất lý thú để đi ăn nhậu.

Mũi Cà Mau. Xin chào và hy vọng có ngày gặp lại.
Mũi Cà Mau. Xin chào và hy vọng có ngày gặp lại.

Chú thích: thời gian đi là khoảng cuối tháng 12/2014.

2 trả lời trong “Một vòng miền Tây”

Xin chào,
Mình biết đến blog của bạn qua bài viết “Mình đã học tiếng anh như thế nào”. Do đang cày tiếng anh nên mình đã đọc nhiều các bài viết về kinh nghiệm học, tuy nhiên chỉ có bài viết của bạn là mình thấy ưng ý và hợp với tư duy của mình nhất. Nó đang gợi ý cho mình rất nhiều ý tưởng để học và cũng tạo 1 phần động lực cho mình. Xin cảm ơn vì điều đó!
Ngoài ra, khi lân la đến các bài viết về các chuyến đi của bạn, một lần nữa lại thôi thúc mình thực hiện những chuyến đi mà bấy lâu nay chưa có điều kiện để trải nghiệm. Mình sẽ đi Đà lạt mộng mơ, cũng sẽ đi miền tây sông nước … 🙂
Xin cảm ơn và chúc bạn có nhiều điều thú vị trong cuộc sống!

Leave a Reply to nobitangoCancel reply