Chuyên mục
Chia sẻ

BÀI 1: Ai sở hữu WordPress, người ta kiếm tiền trên đó như thế nào?

Hiện tại, WordPress đã quá nổi tiếng, được sử dụng tới hơn 25% trong tổng số các website trên internet. Tuy nhiên, cụ thể câu chuyện tại sao nó miễn phí, miễn phí thì kiếm tiền kiểu gì, thương hiệu WordPress thuộc về ai, v.v. thì lại ít người hiểu và nắm được.

Bài viết này và bài viết tiếp theo về WordCamp, mình sẽ cố gắng giải thích những câu chuyện này.

WordPress.com vs WordPress.org
WordPress.com vs WordPress.org

Table of Contents

WordPress.org và WordPress.com, tuy có vẻ là một nhưng thực ra là hai

WordPress.org là mã nguồn mở, nơi bất cứ ai muốn có thể tài về cài đặt trên web server (lưu ý là cài về thì không chạy được trên Windows, Mac, hay Linux luôn nhé). Lợi thế của WordPress.org là người sử dụng không cần bỏ tiền mua bản quyền, có thể tuỳ biến dễ dàng thông qua theme và plugin để phù hợp với nhu cầu sử dụng. Ngược lại, nhược điểm là phải hiểu biết về cài đặt web thì mới có thể có một website chạy được.

WordPress.com thì là sản phẩm của một công ty mang tên Automattic, sử dụng mã nguồn WordPress.org ở trên. Sản phẩm này giúp bạn tạo ra website mà không cần quan tâm đến những thứ phức tạp như coding, cài đặt web server, quản lý bằng thông, quản lý bảo mật, v.v. Tuỳ mức độ sử dụng của bạn thì công ty Automattic sẽ cho bạn sử dụng gói miễn phí hoặc gói trả phí. Để cho dễ hiểu thì sản phẩm này tương tự như Blogger của Google, Tumblr hay Medium.

Nói thêm về mã nguồn mở. Mặc dù, mã nguồn mở tức là mọi người có quyền tự do đóng góp, sửa đổi, tuỳ biến và phân phối mà không phải một khoản phí nào, nhưng vẫn có thông tin về license đi kèm như MIT, Apache, GPL. Các license này nhằm đưa ra khuôn mẫu và tiêu chuẩn trong sử dụng mã nguồn mở để mọi người có thể hiểu và tuân theo. Các mã nguồn mở nổi tiếng mà chúng ta có thể đã và đang dùng: Android, Linux, Arduino, v.v…

Ai sở hữu WordPress, WordPress.org và WordPress.com?

Như nói ở trên WordPress là một mã nguồn mở và mã nguồn thuộc sở hữu của cộng đồng, hay như một cách nói “rất Việt Nam” là “sở hữu toàn dân”. Tuy nhiên, thương hiệu WordPress và tên miền WordPress.org được đăng ký bởi WordPress foundation. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận đăng ký tại Mỹ. Nhiệm vụ chính của nó là giúp WordPress được phân phối và phát triển rộng rãi và hoàn toàn miễn phí.

WordPress.com, như đã nói ở trên, thuộc về công ty Automattic.

Một câu hỏi được đặt ra: tại sao Automattic lại có đặc quyền sử dụng WordPress.com mặc dù thương hiệu WordPress đã được đăng ký bởi tổ chức WordPress foundation?

Để hiểu chính xác được câu chuyện này thì có lẽ cần phải xem xét lại các mốc lịch sử của WordPress:

  • 2003, Matt cùng một số developer khác bắt đầu phát triển WordPress.
  • 2005, Matt thành lập công ty Automattic và đưa ra sản phẩm WordPress.com dựa trên mã nguồn WordPress, với mục đich đưa ra một dịch vụ mà người dùng có thể tạo bằng blog một cách đơn giản mà không phải tự setup trên hosting.
  • Automattic có sản phẩm quan trọng dựa trên mã nguồn WordPress và bản thân công ty này đóng góp rất nhiều (nếu không muốn nói là phần lớn, đặc biệt là trong giai đoạn đầu) vào mã nguồn này. Ngoài ra, mã nguồn mở này không sinh ra lợi nhuận trong giai đoạn đầu nên Matt đăng ký thương hiệu WordPress với chủ sở hữu là Automattic.
  • 2010, khi mà WordPress ngày càng phổ biến, Automattic đã trao lại quyền sở hữu thương hiệu WordPress lại cho tổ chức WordPress foundation. Mục đích để đảm bảo tính bền vững và phi lợi nhuận của mã nguồn WordPress. Ngoài ra, theo cá nhân mình, Matt muốn tách rời hai tổ chức: Automattic (vì lợi nhuận) và WordPress foundation (phi lợi nhuận).

Đó là câu trả lời cho câu hỏi trên. Tóm lại, hiểu một cách chính xác:

  • Mã nguồn WordPress (không bao gồm tên thương hiệu) thuộc “sở hữu toàn dân”.
  • Thương hiệu WordPress và tên miền WordPress.org thuộc về tổ chức phi lợi nhuận WordPress foundation.
  • WordPress.com thuộc về công ty Automattic.

Câu hỏi thú vị: miễn phí thì kiếm tiền thế nào?

Đây là điểm mình thấy hay ở mã nguồn mở: vừa thúc đẩy được sự đóng góp từ cộng đồng vào mã nguồn, vừa có thể tạo ra công việc (nguồn thu) cho những người khác để họ có thể đóng góp lại vào mã nguồn.

Nếu chỉ tải về cài đặt từ WordPress.org thôi thì bạn sẽ có chỉ một website rất đơn giản. Nhưng nhu cầu thì vô vàn, nên sẽ có những người cung cấp các dịch vụ để tuỳ chỉnh và bổ sung thêm chức năng cho website. Mình đưa ra một số mô hình mà người ta cung cấp dịch vụ liên quan tới WordPress.

  • Web agency: Đây là các công ty cung cấp dịch vụ làm website, họ sử dụng nền tảng này để tạo ra website cho từng khách hàng riêng biệt. Các công ty lớn trong mảng này trên thế giới như 10up, Human Made, WebDevStudios…
  • Product company: Các công ty dạng này làm plugin hay theme để tuỳ biến giao diện hay mở rộng thêm tính năng cho WordPress. Ví dụ, plugin WPML trả phí (ngày trước mình làm ở sản phẩm này) thêm tính năng đa ngôn ngữ cho WordPress. Hay theme Avada với nhiều mẫu website demo đa dạng và phong phú. Ở Việt Nam, có nhiều công ty hay các team cung cấp dịch vụ tương tự như Foobla, WooRocket, EngineThemes, v.v.
  • Dịch vụ SaaS (Software as a Service): WordPress.com ở trên là một sản phẩm điển hình. Ngoài ra, các sản phẩm khác mình biết gồm có Edublogs của WPMUDEV, InvestorCarrot (site về bất động sản).
  • Các dịch vụ khác: Khi mà WordPress đã quá phổ biến thì có rất nhiều thứ người ta có thể kiếm tiền liên quan tới nó. Ví dụ: viết blog về WordPress, tạo ra marketplace để bán theme và plugin như CodeCanyon và ThemeForest, dịch vụ hosting tập cho WordPress như WPEngine, v.v.

Các câu hỏi thường gặp khác

Tại sao lại đóng góp miễn phí, bạn sẽ được lợi ích gì?

Theo cá nhân mình thấy có hai lợi ích chính:

  • Personal/company branding: Khi bạn tham gia vào đóng góp cho WordPress.org thì profile của bạn trên đó sẽ có các badge. Khi khách hàng nhìn vào sẽ tạo ra sự tin tưởng tốt hơn. Ví dụ đây là trang của mình https://profiles.wordpress.org/htdat
  • Hiểu hơn về WordPress: Mã nguồn WordPress không dừng lại mà vẫn đang ngày ngày được bổ sung thêm các tính năng mới. Việc tham gia sẽ giúp các công ty hay cá nhân nắm bắt được các thay đổi tiếp theo, từ đó giúp cho sản phẩm hay dịch vụ của công ty hoạt động tốt khi có phiên bản mới của WordPress.

WordPress có vẻ đơn giản, thấy nhiều developer quá?

Đúng và sai.

Để tiếp cận, WordPress rất đơn giản cho người có ít kiến thức về lập trình. Nên, nhiều người nhầm tưởng chỉ copy và paste code, hay cài theme và plugin thì đã được coi là developer.

Tuy nhiên, sau quá trình làm việc ở WPML, mình có thể nói là không đơn giản chút nào nếu để tạo ra được sản phẩm hay dịch vụ chất lượng. Chất lượng ở đây bao gồm khả năng mở rộng và tương tác với theme hay plugin khác, khả năng hạn chế lỗi khi cập nhật core, theme và plugin, khả năng hoặt động tốt ở các môi trường server khác nhau, v.v.

Nếu bạn xác định lập trình ở trong mảng này thì nên đọc tài liệu ở https://developer.wordpress.org/https://codex.wordpress.org/

Tôi muốn tham gia đóng góp gì đó, ở đâu và như thế nào?

Bạn không nhất thiết phải là developer để đóng góp cho WordPress. Có rất nhiều thứ khác bạn có thể làm như dịch, các hoạt động cộng đồng, hỗ trợ, thiết kế, marketing. Tuỳ vào khả năng và sở thích của bạn, bạn có thể xem thêm ở https://make.wordpress.org/

Ở Việt Nam, bạn có những kênh sau:

Bạn đã từng nghe tới WordCamp, một sự kiện chuyên về WordPress? Đọc bài viết tiếp theo BÀI 2: WordCamp liên quan tới WordPress ra sao, tại sao lại là phi lợi nhuận? để hiểu hơn về WordCamp.

 Cập nhật: Kể từ tháng 07/2017, mình chính thức làm việc cho Automattic. Tuy nhiên, thông tin mình viết ở trên vẫn hoàn toàn khách quan và không có thay đổi gì.

3 trả lời trong “BÀI 1: Ai sở hữu WordPress, người ta kiếm tiền trên đó như thế nào?”

Gửi phản hồi