Khi mẹ vẫn còn khoẻ và tỉnh táo, mẹ bảo là mẹ thương các con vì sau này các con sẽ buồn khi không còn mẹ nữa. Lúc đó, mình nghĩ thầm, các con thương mẹ chứ. Nhưng về sau, ngay bây giờ, mình mới cảm nhận và thấy được sự yêu thương đó của mẹ vì đúng là mình cũng buồn bã nhiều. Tới những giờ phút sắp ra đi, mẹ vẫn luôn mong ngóng và lo lắng cho các con, thủ thỉ và dặn do, dù cho con có 30 hay 40 tuổi nhưng vẫn như những đứa con thơ. Có lẽ, mẹ đã có từng cảm nhận tương tự đối với ông bà dành cho mẹ.

Table of Contents
Thương nhớ mẹ
Bảy tuần trôi đi mà nỗi nhớ mẹ vẫn khôn nguôi. Lắm lúc, đang làm việc, mình cũng nhớ về hình ảnh của mẹ về một ngày nào đó trong quá khứ, lại đờ đần đi một lúc. Trong khi bơi, hình ảnh mẹ và những lời nói ngày sắp mất của mẹ lại hiện ra. Trong khi lái xe, vô tình nhìn tới địa điểm mình và mẹ đã đi qua, mình lại nhớ tới những ngày đó. Nhiều khi ở trên chùa đang cầu nguyện cho mẹ, mình lại hồi tưởng lại cái ngày cuối cùng với mẹ, cứ như một giấc mơ, tua đi tua lại.
Lắm hôm buổi sáng, không muốn dậy sớm, và thấy có gì thiếu thiếu… Thường thì, mẹ ăn sáng, đi chợ trước nhà, xong lại lên hỏi xem mình thế nào, rồi hai mẹ con lại ngồi nói đủ chuyện, sau đó khoảng 30 phút xong mình mới dậy hẳn. Rồi có khi vô thức xem lại hình ảnh của mẹ trên điện thoại của mẹ, những kỷ niệm đi khắp mọi nơi, ký ức lại cứ ùa về. Trong đó, có những đoạn clip của mẹ, mình lại rưng rưng nước mắt.
Đợt sinh nhật mình, mọi chuyện êm đềm. Có gia đình chị gái ở bên cùng sự động viên của vợ ở nơi xa. Mình cũng cảm thấy đỡ trống vắng hơn nhiều. Nhưng rồi lại chợt nhận ra, đúng là cái sinh nhật này thật khác. Mới một năm trước thôi, lúc tổ chức sinh nhật, tại cùng địa điểm, mẹ vẫn còn cười tươi rói và chúc mừng sinh nhật mình, giờ thì không còn nữa.
Trước thì có cái chuyện bếp đằng sau và cái khu đất giáp sau bên Nam Cường có cây khế, mình cứ bảo làm cái này cái kia, thì mẹ bảo không phải việc của mình, bảo tao không còn nữa thì đi mà làm. Bây giờ thì đúng là có muốn cũng không được… và mình cũng chẳng có nhiều động lực để thay đổi.
Thương mẹ nhiều! Không biết tới khi nào hay liệu có thế giới nào đó hai mẹ con được gặp lại nhau không…
Chiến đấu với sự hiểu biết, yêu đời thiết tha
Trong quá trình chiến đấu với căn bệnh quái ác, mẹ tổng hợp và tìm hiểu về nó. Mẹ xem hàng giờ trên Youtube về từng giai đoạn bệnh của mẹ, xem nó có thể tiến triển ra sao, các phác đồ cho từng giai đoạn, triển vọng chữa bệnh của từng giai đoạn. Thậm chí, cái tờ hướng dẫn thuốc có chữ nhỏ xíu, mẹ cũng kiên nhẫn ngồi đọc và còn kết luận các video Youtube chỉ là dựa trên cái tờ giấy thông tin đó. Tất cả các bước đi của bác sỹ thì mẹ dự đoán được hết, không sai gì nhiều. Vì mẹ cũng biết trước là căn bệnh sẽ tiến triển ra sao, nên cũng chỉ mong lúc cuối bớt đau đớn.
Suốt hành trình, mẹ luôn nói về điều kỳ diệu để được ở thêm với các con cháu, và thể hiện niềm tin với cuộc sống mãnh liệt. Ai ai mẹ cũng chia sẻ về điều đó, nhưng cũng bảo sẽ sẵn sàng đối mặt. Mẹ gọi căn bệnh là… bản án tử hình, chờ ngày được thi hành. Mình không chắc mình sẽ phải làm gì, liệu có thể làm tốt hơn nếu ở trong vị trí và hoàn cảnh của mẹ không.
Vô thường
Sau sự ra đi của mẹ, mình nghĩ nhiều hơn về sự vô thường. Ai không may mắn, thì 74 tuổi, hay thậm chí đứa bé có mấy tháng tuổi cũng có thể ra đi. Không ai biết sự ra đi đối với người chính ra đi sẽ ra sao, nhưng đúng là nỗi đau khôn nguôi với người ở lại. Nhiều khi, mình cũng chỉ mong sao có ngày được gặp lại mẹ, được bên mẹ, như có câu… “bao giờ cho tới ngày xưa”.
Vì thế, đáng lý ra, mọi người nên thực sự sống cho hiện tại, hết mình và yêu thương nhau ở thời điểm hiện tại. Tới lúc chia lìa âm dương, thật là không biết làm sao để kết nối lại được với nhau. Sống hết mình cho từng ngày, vì cũng không ai biết đâu được, tương lai sau này, ngày mai thế nào… Con người sinh ra từ cát bụi, rồi cũng trở lại cát bụi. Biết là có sinh thì ắt phải có tử, là một vòng tự nhiên từ xưa tới nay, nhưng vẫn đau lòng.
Càng ngày, mình càng thấm thía với những lời nói của các cụ, các ông bà nhiều tuổi về thế giới. Họ là những người có trải nghiệm với đủ các khổ đau thì những lời nói thật giá trị. Xưa, mình cứ bảo các ông bà già cổ hủ thế này thế kia và giờ mình nhìn lại thấy điều đó ở cháu mình. Một vòng lặp lại, giống câu chuyện “Xuân Hạ Thu Đông rồi lại Xuân”.
Trong dòng suy nghĩ miên man về vô thường, mình chợt nhớ lại Phạm Thị Huế, cô gái sinh năm 1996, chống chọi với ung thư và có một tựa đề nổi tiếng đi kèm: “một ngày sống cả trăm năm”. Những ngày cuối đời, dù đau đớn tột cùng, Huế vẫn giữ nụ cười nhẹ nhàng và tinh thần sống trọn vẹn từng khoảnh khắc. https://tuoitre.vn/mot-ngay-song-ca-tram-nam-20180926091822582.htm
Hiện tại và phía trước
Nỗi đau, nỗi buồn, nỗi thương nhớ rồi cũng sẽ đi qua. Mình cũng cần trân trọng giây phút hiện tại, yêu thương những người xung quanh, cố gắng nhiều nhất có thể mỗi ngày để cho giá trị được cả trăm năm. Cảm ơn, thương nhớ, và chúc mẹ an yên ở một chiều thế giới nào đó khác!