Ở Sài Gòn gần 4 tháng, mình mới chính thức đi tới một tỉnh miền Tây. Đó là Đồng Tháp. Đồng Tháp nổi tiếng với phong cảnh rừng tràm mùa nước nổi và bạt ngàn sen. Nhưng thời điểm mình đi, cả hai đặc trưng này lại “xuống sắc” quá chừng. Tuy vậy, vẫn có những điểm hay ho để lưu giữ lại.
Rời xa thành phố, chạy ra ngoại ô thôi đã thấy không khí yên ả và hình như ngửi thấy cả mùi “đồng quê”.
Sau vài tiếng trên xe máy, cả nhóm tới Gáo Giồng. Khởi động cho chuyến phiêu lưu khám khá bằng một bữa ăn đậm chất Đồng Tháp: thịt chuột, cá lóc, rắn mối và ốc hấp tiêu.
Cảnh cũng đẹp và lạ trong 10 phút đầu tiên, không đủ hấp dẫn để mình muốn quay lại. Hay tại vì mùa nước không nổi?
Trên đường đi sang Cao Lãnh rồi sang Sa Đéc, món mít thực sự là đáng nhớ: ngon, ngọt và ăn cả xơ. Mình khẳng định đây là món ngon nhất của lần đi này, tất cả món gọi là đặc sản thực ra rất giống với hàng công nghiệp, thậm chí là thịt chuột.
Sa Đéc, ngay từ giờ phút đầu tiên, làm mình rất hứng khởi với các nhà vườn, cây kiểng, kế đến là con sông rất đỗi hiền hòa. Tiếc là không chụp lại được tấm ảnh nào của các nhà vườn ở đây.
Ở Sa Đéc, có một điểm đến khá là đặc biệt là ngôi nhà cổ của ông Huỳnh Thúy Lê – người Hoa. Mình không hiểu đây là gì, một ngôi nhà có thể coi là cổ nhưng không hấp dẫn với mình. Hóa ra, ngôi nhà này được đưa vào khai thác du lịch từ khoảng năm 2006, do có liên quan tới cuốn tiểu thuyết best-seller “Người tình” và bộ phim cùng tên. Còn ông Lê thì là con đại gia đất Sa Đéc hồi đó, nắm giữ thấy đâu bảo 3/4 đất Sa Đéc. Hơi nhạt, nhưng mình phục cách làm du lịch của người Đồng Tháp.
Buổi tối, thất bại tiếp theo về ăn uống: món lẩu cua đồng.
Sáng hôm sau, mấy đứa kéo nhau đi thưởng thức món hủ tíu Bà Sẩm, thương hiệu 30 năm (hay 50 năm gì đó). Sợi hủ tíu to hơn, nước ngon hơn so với bình thường chút. Mình thì nhớ nhất là mùi bếp dầu, nồng nồng và rất “quá khứ”.
Điểm tới tiếp theo là di tích lịch sử Xéo Quýt. Đây là nơi mà Đảng bộ và chính quyền Đồng Tháp lúc đó trú ẩn, để tránh càn quét của Việt Nam Cộng hòa và quân Mỹ. Ngoài về mặt ý nghĩa lịch sử, những người quản lý di tích cũng giữ gìn được sự hoang sơ của nơi đây: vẫn những cây cao cổ thụ, vẫn cành tràm xiên ngay xiên dọc…
Cuối cùng, điểm đến là Đầm sen. Chao ôi, sen không có, cánh đồng xơ xác chỉ có mấy cái chòi để tiếp khách. Món ăn thì vẫn vậy: không khác gì hàng công nghiệp.
Ý kiến sau chuyến đi
Về quan điểm cá nhân, nếu có cơ hội, ai đó cũng nên sẵn sàng đi tới đây một vùng đất nổi tiếng với rừng tràm, đầm sen. Thực sự, Đồng Tháp nhiều sen không thể tả nổi, bạn có thể nói rằng: đi đâu cũng gặp sen. Sa Đéc có nét gì đó nhỏ nhắn, không phát triển lắm, nhưng đi thăm các nhà vườn sẽ là trải nghiệm rất thú vị. Và hơn hết, nếu có thể, bạn nên chọn mùa nước nổi (khoảng tháng 6 tới tháng 10 dương).