Mình đọc và nghiền ngẫm hai cuốn “Bên thắng cuộc” của Huy Đức mất đến tận nửa năm. Thực ra đọc thì rất nhanh nhưng mình cố gắng chậm rãi để suy nghĩ với những gì thấy ở hiện tại. Cuốn sách bắt đầu bằng một nhận định rất cuốn hút, đại ý là: Bên thắng cuộc có thực sự thắng cuộc hay chăng đó là một sự may mắn cho chính bên thắng cuộc?
Trước khi đi vào chi tiết thì cần nói thêm là hai cuốn sách này do tác giả Huy Đức viết. Huy Đức vẫn đang sống, làm việc và tham gia các hoạt động như bình thường ở Việt Nam. Cuốn sách này không được phép xuất bản ở Việt Nam, nhưng dường như không hẳn phải là sách cấm.
Table of Contents
Những câu hỏi
Có những câu hỏi mà không đọc cuốn sách hay đọc các nguồn tài liệu riêng rẽ khác thì những người trẻ tuổi (như mình) khó có thể tưởng tượng được những gì đã xảy ra với đất nước trong thời gian gần đây (50 năm trở lại).
- Quá khứ oai hùng có thực sự oai hùng? Chiến thắng có thực sự là chiến thắng?
- Lý tưởng và tư tưởng hay thực tiễn quan trọng hơn?
- Ngày hôm nay của VN so với trước năm 1986, khác nhau như thế nào? Nguồn gốc từ đâu?
- Tại sao tiền VN hiện nay dư tới 3 chữ số 0?
- Câu chuyện VN và TQ, VN và Campuchia, VN và Liên Xô, VN và Mỹ đã và đang ra sao?
Cảm xúc và hoài nghi
Mình không rõ là có ai có thời gian để đi xác minh tất cả các dẫn chứng để suy luận trong hai cuốn sách hay không. Dưới đây là một số điểm mà mình vẫn hoài nghi:
- Theo như những lời viết của tác giả thì tác giả đã gặp trực tiếp với nhiều vị lãnh đạo của đất nước.
- Tác giả cố gắng nói sự thật nhưng trong lời nói lại dường như muốn bênh vực các vị lãnh đạo kiểu và đổ lỗi cho hoàn cảnh và thiếu kinh nghiệm. Nếu nói thẳng ra, theo mình, thì phải dùng những từ là “kém cỏi, thiếu năng lực và thiếu tầm nhìn”.
Về cảm xúc và cảm giác khi đọc sách, không rõ người khác thế nào, nhưng mình nhiều lúc thực sự thấy ngẹn ngào và uất ức. Lẽ ra mọi chuyện về kinh tế và văn hóa có thể làm tốt hơn, đặc biệt là giai đoạn sau 1975, nhưng lại bị bỏ qua vì lãnh đạo cương quyết theo lý tưởng Mác Lênin. Đất nước có thể giàu có và vững mạnh hơn rất nhiều. Không có lý lẽ gì để giải thích cho sai trái trong việc chỉ đơn giản chuyển đổi mô hình trong nông nghiệp, Việt Nam từ một nước thiếu đói, bỗng trở thành nước xuất khẩu gạo – tất cả trong hai năm.
Va vấp thực tế
Mình có một may mắn là sinh ra và lớn lên ở ngoài miền Bắc và hiện tại đang sống ở miền Nam, nên có thể cảm nhận theo hai thái cực rất là khác nhau. Nhưng có lẽ mình sẽ nói theo thái cực mà rất nhiều người miền Bắc chưa từng đến miền Nam (hay thậm chí đến mà không quan sát) có thể hiểu.
Có một lần gặp chú xe ôm người ở Sài Gòn, là ở phía “ta”. Chú đã tham gia đánh Pol Pot ở Campuchia nhưng giờ đây không được mấy chế độ chính sách, vẫn phải cày kéo hàng ngày.
Có những thứ tưởng như là “bắt buộc phải có”, “quyết định không cần suy nghĩ” nhưng lại một sự tranh đấu không biết bao lâu: đường dây 500KV Bắc Nam, xây cầu và hầm qua sông Sài Gòn…
Hay câu chuyện mamg tính thời sự: sân bay Tân Sơn Nhất lẽ ra dư sức để mở rộng, không cần đến sân bay Long Thành. Vì như chỗ mình đang ở đây, ngày xưa cũng là đất của sân bay nhưng sau này lại được chia đất cho cán bộ và lính trong quân đội.
Hay đặc biệt đó là việc người Sài Gòn gốc còn rất ít ở ngay đất Sài Gòn. Vậy họ đi đâu hết? Về sau mới biết, hóa ra họ sang Mỹ hết vì không thể làm gì ở đây. Những người có mối liên hệ với chế độ cũ thì không được học hành hay không được thăng quan tiến chức. Sỹ quan chế độ cũ còn bị đưa đi cải tạo không biết bao lâu, có đến cả hai chục năm.
Lời kết: Cuốn sách có đáng đọc?
Đọc xong hai cuốn sách này, mình mới thấy giá trị to lớn của lịch sử: nó giúp cung cấp thông tin và giải thích những gì đang hiện hữu và nguồn suy đoán tốt cho tương lai. Nhưng sự thật thì quá mong manh.
Dẫu sao biết nhiều khía cạnh vẫn tốt hơn là chỉ có cái nhìn một chiều! Đương nhiên, cuốn sách đáng đọc, đáng để trở thành một chiều suy nghĩ mới về chính lịch sử nơi mình đang sống.