Chuyên mục
Chuyến đi

Myanmar – cảm xúc quá khứ

Burma (Myanmar) là một điểm đến cực kỳ mong đợi của mình. Đơn giản là quốc gia này chưa mở cửa hoàn toàn và đang trên con đường hội nhập. Hiện tại quá trình thay đổi ở đất nước này đang diễn ra rất nhanh, chắc chỉ vài năm nữa thôi, đặt chân quay lại sẽ khó mà có thể nhận ra.

Trước khi đến mình có tìm hiểu và biết là hiện tại Burma vẫn là nước kém phát triển (hoặc đang phát triển) và còn xếp sau Việt Nam. Trong suy nghĩ của mình, các thành phố chắc sẽ nghèo nàn, chật hẹp và nhỏ bé lắm. Trước đây nước Anh đô hộ và nước này có cả báo tiếng Anh được phát hành tương đối rộng rãi, nên mình luôn nghĩ người Myanmar thì tiếng Anh sẽ giỏi lắm.

À, còn một tưởng tượng nữa: một đất nước đặt dưới điều hành của quân đội thì sẽ ra sao? Chắc ghê gớm lắm!!!

Tuy nhiên, tất cả đều sai lầm!

45 độ Bagan.
45 độ Bagan.

Yangon

Yangon, hay tên cũ Rangoon, là thủ đô cũ của Burma. Đây vẫn là thành phố lớn nhất và phát triển nhất hiện nay của Myanmar. Nhiều đại sứ quán các nước vẫn đặt ở đây, thay vì chuyển đến thủ đô mới Naypyidaw. Câu chuyện về cái tên ở đây khá giống với Sài Gòn hay TP. HCM. Mặc dù tên chính thức là TP. HCM nhưng mã sân bay vẫn là SGN, tương tự tên chính thức Yangon nhưng mã sân bay là RGN.

Đến cái tên Burma hay Myanmar cũng vẫn còn tranh cãi. Tuy nhiên, Myanmar đang dần trở nên phổ biến hơn.

Đặt chân xuống sân bay Yangon là đã thấy hầm hập, toàn xe là xe (ô tô). Tắc đường ở Yangon có thể nói là khủng khiếp, còn ghê hơn cả Hà Nội và TP. HCM. Điểm khác biệt: tắc đường ở đây là do ô tô, xe máy rất ít.

Đi vào trung tâm thành phố, toàn người là người cộng với cái không khí nóng bức, cảm giác ngột ngạt khó tả và không gian thì không dễ chịu chút nào. Tuy nhiên, xe cộ thì nhiều xe cực kỳ cũ, chắc phải đến 30 năm rồi. Đó là những loại xe mà mình cũng đã từng thấy ở Việt Nam nhưng cách đây chừng gần 20 năm.

Cái thấy tiếp theo là sự xuất hiện tương đối nhiều của các doanh nghiệp Việt Nam. Ấn tượng nhất là quảng cáo của Điện Quang – Việt Nam number one : )))

Quảng cáo “Việt Nam Number One” của Điện Quang.
Quảng cáo “Việt Nam Number One” của Điện Quang.

Đi rồi mới thấy cay cú cho khách nước ngoài đến Việt Nam bị phân biệt đối xử về giá khi tham quan chùa, đền, bảo tàng hay bất cứ thắng cảnh nào khác. Giá vé cho khách nước ngoài lúc ở đây nào cũng gấp 10 lần so với người dân địa phương.

Và đương nhiên, Yangon cũng như bất cứ nơi nào khác ở trên đất nước này: chùa và chùa (hoặc các thứ tương tự chùa như đền, tháp). Mình không máu me chùa chiền lắm, nhưng chùa ở đây là thứ nổi tiếng và đáng xem gần như duy nhất, nên cố gắng mua vé để đi xem. Chùa Shwedagon – là chùa đẹp nhất và to nhất ở trung tâm Yangon thì đang sửa chữa. Mặc dù không được như mong đợi lắm vì dàn giáo đầy xung quanh, nhưng đền tầm tối tối thì xứng đáng để nói là đẹp.

Chim câu ở chùa đền ở Yangon.
Chim câu ở chùa đền ở Yangon.

Cái khác biệt và mình thấy khá lạ lẫm đó là ở xung các chùa, đền và tháp ở Burma có cực kỳ nhiều chim câu. Chúng bay đi bay lại mà không có ai dọa dẫm hay sẵn sàng… đánh bắt.

Cuối cùng, ở đây, đàn ông cũng mặc váy 😀 .

Một chú đang mặc váy ở công viên ngay giữa trung tâm thành phố.
Một chú đang mặc váy ở công viên ngay giữa trung tâm thành phố.

Bagan

Trải qua một đêm ở trên xe bus từ Yangon, mình cũng tới được Bagan. Di chuyển từ Nayung-U đi tới khu New Bagan (nơi thuê dorm), mình sử dụng ngựa (horse cart), cảm giác mệt mỏi và thèm ngủ vẫn còn. Tuy nhiên đoạn bình minh lên thật là tuyệt – cái thứ ánh sáng khác lạ, rạo rực phía chân trời.

Buổi sáng đầu tiên ở trên mảnh đất New Bagan, mình đi lòng vòng quanh khu này và thấy rằng… nó thật giống làng quê Việt Nam độ 15 năm trước.

Đi được một đoạn khá xa và cũng chưa biết là sẽ đi đâu thì gặp một anh họa sỹ và gia đình. Qua cuộc trò chuyện, thấy các tác phẩm tranh trên cát của anh ấy cũng hay phết. Các bức tranh được vẽ trên cát về các khung cảnh và di tích ở đây: chùa chiền, phật, tăng lữ… Về sau mới biết là chúng được bán la liệt ở các danh thắng ở Bagan.

Anh cho biết, ở Bagan, mọi người đều theo đạo Phật hết, không ai theo đạo khác. Ở Bagan, không có ai nuôi bất kỳ con vật nào như trâu, bò, lợn, gà… vì họ không giết thịt. Nếu muốn ăn thịt thì họ mua từ nơi khác đã được làm sẵn.

Ở đất Burma, không chỉ riêng Bagan, có một “đặc sản” là thanaka – một thứ bột từ thân cây để làm mỹ phẩm. Gọi là “đặc sản” vì sử dụng rất nhiều, từ Yangon tới Bagan, từ già tới trẻ, không chỉ có phụ nữ mà nhiều đàn ông cũng sử dụng. Không biết là cái thứ bột này có tác dụng như nào, nhưng nhiều khi họ chỉ xoa một góc má, kiểu như để thể hiện mình là người Burma thôi vậy.

Thanaka của một cô gái Burma?
Thanaka của một cô gái Burma?

Xế chiều cùng anh họa sỹ đi sang phía bờ sông bên kia và ngắm cảnh hoàng hôn xuống. Một thứ cảm giác mê mải và rất đắm đuối kiểu gì đó.

Hoàng hôn trên sông.
Hoàng hôn trên sông.

Ngày tiếp theo là cả ngày đi lê la ở các chùa của Bagan. Xứ Bagan này kỳ thực là xứ sở của chùa, đền và tháp. Theo thống kê thì phải có tới 30.000 công trình to nhỏ lớn bé. Những cái lớn thì được chăm chút, đầu tư và có người bảo vệ. Với những ngọn tháp (stupa) được ưu ái thì chúng thường được mạ vàng sáng bóng. Đi chừng 4 – 5 cái cái chùa và đền to, mình thực sự ngán và không muốn thăm quan thêm.

Giấc mơ trưa Bagan.
Giấc mơ trưa Bagan.

Tuy nhiên, cái khung cảnh leo lên một cái đền/chùa (không nhớ chính xác tên) và nhìn ra khung quảnh xung quanh thì thực là tuyệt vời. Một thứ không gian mà mình chưa chưa gặp ở nơi nào: màu xanh của cây cối và màu như màu ngói của chùa đền cứ đan xen lẫn nhau.

Hoàng hôn và bình minh ở Old Bagan là hai khoảng thời gian đáng giá nhất trong cả chuyến đi. Đó cũng là hai thời điểm mà khách du lịch tập trung hết về các vị trí đẹp và ở trên các chùa/đền cao. Ánh sáng đổi thay lúc bình minh và hoàng hôn, trải xuống phía dưới là hàng ngàn chùa tháp, trông rất lung linh và cổ xưa. Ánh sáng bình minh vẫn có gì đó “ma quái” hơn, quyến rũ hơn. Đó là cái thứ hào quang khi mặt trời còn ở dưới chân trời, là cái không gian hơi lạnh lạnh của buổi sớm mai…

Bình minh trong buổi sớm mai.
Bình minh trong buổi sớm mai.

Hẹn gặp lại Burma một ngày rất gần, mình có linh cảm như vậy 😀

Gửi phản hồi