Có lẽ hơi ngược ngược chút khi mình viết về vòng phỏng vấn trước khi viết về các giai đoạn khác khi tìm việc như chuẩn bị CV, thư xin việc, cách tìm công việc… Tuy nhiên, với kinh nghiệm xin việc còn non kém như mình thì việc viết các thất bại ở vòng phỏng vấn thì có lẽ là thực tế nhất và quan trọng là sau mỗi lần phỏng vấn cảm xúc lại khác nhau và rút ra được nhiều kinh nghiệm nhất.
Table of Contents
Khởi đầu
Khởi đầu quá trình đi tìm việc là một công ty kiểm toán có trụ sở chính ở Nhật hay Singapore gì đó mời đi test (cho vị trí thực tập kiểm toán viên). Kết quả chỉ được đi test và không được phỏng vấn. Cái này thì không liên quan đến phỏng vấn nhưng mà là sự khởi đầu của quá trình đi tìm việc thực sự.
Vị trí Mar Online ở một công ty mới thành lập
Tiếp theo là một lời mời phỏng vấn của một Công ty chuyên về thiết kế template và add-on cho Joomla. Vị trí phỏng vấn ở công ty này là Marketing Online. Đây là một công ty mới mở, có hai người cùng quản lý bao gồm một anh hiện tại đang ở Việt Nam và một anh ở Phần Lan. Lúc phỏng vấn là gồm có cả hai anh này (anh ở Phần Lan theo dõi qua Skype và đặt một vài câu hỏi). Đầu tiên hai anh cho mình 5 phút tự giới thiệu bản thân. Sau đó hỏi chủ yếu lại về các công việc mình đã làm (lúc này công việc liên quan đến Marketing Online nhất là làm tech-admin ở diễn đàn svktqd.com). Lần này thật đáng tiếc là mình chỉ nêu bật được cái ý là có hiểu biết về Joomla và lập trình web, còn cái ý Marketing Online thì mình lại không nói được nhiều.
Bài học: tập trung vào các yêu cầu và nhiệm vụ của công việc thay vì nói về khả năng không thực sự liên quan của mình.
Vị trí kiểm toán viên ở một công ty kiểm toán của Anh
Sau một loạt hồ sơ gửi cho các Big4 của kiếm toán với kết quả nhận được là “Fail”, mình đâm ra chán nản với việc apply vào các công ty kiểm toán nước ngoài với kỳ vọng vốn tiếng Anh ít ỏi của mình sẽ bù đắp được hiểu biết về kế toán. Thế rồi, đùng một cái một công ty kiểm toán của Anh (không phải ở nhóm Big4 nhưng mà cũng có tiếng ở phạm vi toàn cầu), mời mình đi test và qua đến vòng phỏng vấn với chị quản lý nhân sự. Đây là công ty mà chị phỏng vấn mà mình khâm phục nhất. Trong quá trình phỏng vấn thì phỏng vấn xen kẽ tiếng Anh và tiếng Việt. Câu hỏi đầu tiên “Theo em, kỹ năng nào quan trọng nhất khi làm việc ở vị trí kiểm toán viên?”. Mình trả lời là kỹ năng làm việc nhóm vì khi đi kiểm toán bất cứ một công ty nào cũng phải là một nhóm làm, không thể là một người làm được hết. Và từ đó, bắt đầu xoáy vào đây để hỏi sâu hơn.
“Ví dụ trong trường hợp trong nhóm có một người họ không thích em và cứ gây khó dễ cho em trong công việc, và có một công việc em và người đó phải làm chung thì em giải quyết thế nào?”. Mình trả lời: em sẽ đến gặp họ và phân công rõ ràng nhiệm vụ công việc.
Hỏi tiếp “Vấn đề không phải là công việc mà là họ không thích em, nên em có làm xong rồi họ bảo không được mặc dù em làm rất tốt thì em giải quyết thế nào?”. Trả lời: em sẽ nói chuyện trực tiếp và hỏi rõ xem thế nào là công việc được coi là hoàn thành, hỏi thật kỹ và cố gắng để đạt được các yêu cầu đó.
Tiếp tục, sau đó là một loạt các câu hỏi xoáy sâu vào chủ đề này, và khi mình trả lời được một ý gì đó thì chị ý lại tiếp tục giả định cái cách mình làm không hiệu quả để bắt mình tiếp tục đưa ra giải pháp… Cụ thể như thế nào thì không nhớ rõ. Sau loạt này là đến loạt hỏi : Em đã làm leader ở một nhóm nào chưa? Em làm thì công việc của leader là gì? Em phân công công việc dựa vào yếu tố nào?
Mình trả lời: Em làm leader của một nhóm nghiên cứu khoa học ở trường về thị trường bán lẻ của Việt Nam. Công việc của leader là quản lý tiến độ nhóm và tổng hợp bài. Đầu tiên, em đề nghị cả nhóm tìm hiểu tổng qua về đề tài mình làm, sau đó thảo luận để đề ra phương hướng và cấu trúc của đề tài. Em phân công công việc ở các phần dựa vào khả năng của các bạn mà mình biết và nguyện vọng của các bạn trong nhóm.
Một loạt các câu hỏi tiếp theo: Em không biết trước các bạn trong nhóm thì làm thế nào để phân công? Công việc bị chậm tiến độ thì giải quyết thế nào? Đến đoạn này thì mình ú ớ và “chém gió” như thế nào tiếp thì mình không nhớ nữa. Nhưng có một điều là chị ý sẽ uốn mình về lại câu hỏi nếu nói lan man sang vấn đề khác và lại tiếp tục giả định là các giải pháp mình đưa ra không giải quyết vấn đề. Và nếu mình có ý là em chưa từng gặp trường hợp như thế thì chị ý sẽ lại tiếp tục giả định là bây giờ em gặp trường hợp như thế thì em làm như thế nào. Nói chung là phải trả lời bằng được, đến khi nào chị ý thất mình kiểu như kiệt sức thì mới thôi.
Và cuối cùng là chị ý hỏi : Em có câu hỏi gì để hỏi về công việc hay về công ty không? Vậy là dựa theo một lời gợi ý trên mạng, mình hỏi: Em làm công việc vị trí kiểm toán viên ở công ty mình thì có hay phải đi công tác xa hay làm việc ở ngoài Hà Nội không? Thôi xong, hỏi câu này chị ý bắt đầu thấy trùng xuống và chán nản thì phải: Trước khi làm một công việc, nhất là không phải ngành mà em học thì em phải tìm hiểu kỹ… công việc ở công ty chắc chắn là sẽ phải đi xa, chứ không chỉ có ngồi văn phòng, đó là đặc thù công việc kiểm toán… Lúc đó, chị ý nói như thế mình biết là hớ rồi, nhưng mà chắc tại mệt vì bị tra tấn đầu óc ở các tình huống tưởng tượng phía trên quá mà mình cứ ú ớ, rồi gật gật vâng vâng, chả giải thích lại gì.
Đến lúc về cứ ngẩn ngơ là tại sao mình không trả lời ngay lại là: em biết công việc kiểm toán là phải như thế rồi, nhưng em muốn biết rõ hơn là công ty mình có như thế không vì có thể khác so với công ty khác… hay ý ý là em biết nhưng em chỉ muốn thể hiện là có quan tâm đến công việc và công ty một chút. Rồi cứ ngẩn ngơ như thế, đến 2/3 quãng đường về nhà rồi mới chợt nhớ ra: QUÊN BA LÔ (trong đó có cả cái laptop). May là đến nơi cái ba-lô vẫn còn nguyên ở trên một chiếc xe cạnh mình. Hú hồn.
Bài học: phải phản ứng nhanh nhạy, chữa cháy được câu trả lời của mình, và phải suy nghĩ câu hỏi hỏi lại nhà tuyển dụng hợp lý hơn.
Vị trí nhân viên XNK ở một công ty sản xuất thép
Tiếp theo là đến một công ty về sản xuất thép và xuất khẩu ra ngoài. Mình xin vào vị trí Nhân viên Xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, cái thái độ của Tổng giám đốc công ty này với một ứng viên như mình, mình thấy thật là không hợp lý và không phù hợp. Và còn buồn cười hơn nữa là từ khi mình đặt chân vào tòa nhà mà công ty này có trụ sở đến khi lấy xe không đến 15 phút (phải chờ đi thang máy tới công ty này ở tận tầng 18).
Lúc đến gặp mình, đồng chí Tổng giám đốc (vẫn còn trẻ, chỉ tầm 8x), chào mình và bắt đầu lướt qua hồ sơ và hỏi: Em sắp ra trường nhỉ? Rồi khi mình trả lời là vâng và giải thích là mình học tín chỉ nên nó như thế. Và Tổng giám đốc nói tiếp: sao bây giờ học và trường dễ nhỉ? (giọng hỏi rất là khinh khỉnh). Sau đó điện thoại réo lên và ngồi cứ ý ới alo, và trả thèm bảo là xin lỗi hay là gì đó với mình, cứ thế nói. Thực ra theo mình cái lời xin lỗi đó nó chẳng phải là hạ thấp bản thân của đồng chí ý mà chỉ đơn giản là thể hiện sự lịch sự mà thôi. Và rồi cái đoạn này mới khiếp cái công ty này: em ở xa nhỉ, cách đây tới tận mười mấy km, mà em lại chưa có kinh nghiệm gì, trong khi nhân viên công ty anh thì toàn người ở quanh đây và cũng ít nhiều có kinh nghiệm làm việc và bảo thôi em có thể về… Nói chung là thất vọng… Nếu mà tìm người ở gần thì nhìn địa chỉ của mình thì có thấy rõ trong CV, và tuyển có kinh nghiệm hay không thì dựa vào CV của mình là cũng đủ biết.
Bài học: hãy tự tin lên vì rất nhiều công ty oái ăm như thế này và mang cục tức về thì là không tránh khỏi và thấy cái sự nghiệp xin việc khi chưa có kinh nghiệm thật sự là… không đơn giản.
Hôm nay tạm dừng ở đây, vì hơi muộn và buồn ngủ quá. Mình sẽ viết tiếp ở entry tiếp theo sau.
2 trả lời trong “Ký sự phỏng vấn xin việc”
bài viết của bạn rất là bổ ích ak, nếu có chia sẻ gì mới có thể thông tin qua mail cho mình với được không. Cảm ơn bạn rất nhiều.
Cảm ơn đã đọc và theo dõi các chia sẻ của mình. Về cập nhật thông tin việc làm và các kinh nghiệm khi đi tìm việc, mình recommend các trang như sau nhé:
– http://jib.vn
– https://www.facebook.com/groups/internships.vietnam/
– https://www.facebook.com/skillboxhrc
– https://www.facebook.com/hrcftu