Chuyên mục
Chia sẻ

Ký sự phỏng vấn xin việc (phần 2)

Gần tuần trôi qua, có vài việc xảy ra nên hơi bận chút, hôm nay ngồi viết tiếp về các vụ đi phỏng vấn của mình trong quá trình xin việc và quyết định công việc mà mình theo đuổi.

Phỏng vấn xin việc - chuẩn bị, kế hoạch, chiến lược?
Phỏng vấn xin việc - chuẩn bị, kế hoạch, chiến lược?

Vị trí nhân viên kinh doanh ở một công ty logistic

Ngay sau khi gặp phải vị Tổng giám đốc như ở phần trước đã viết, thì mình được cú điện thoại mời đi phỏng vấn tiếp của một công ty về logistic. Mình cũng chẳng chuẩn bị gì nhiều cho buổi phỏng vấn này và đặc biệt là mặt cờ đờ đờ ra. Mặt đờ ra có lẽ là vì đi phỏng vấn, test tủng kha khá rồi mà chẳng đâu vào đâu.

Có 2 chị đến phỏng vấn: một chị ở vị trí quản lý (hay trưởng chi nhánh gì đó) và một chị ở bộ phận sẽ nhận mình vào làm nếu mình trúng tuyển. Cuộc nói chuyện khá là thoải mái khi mà chị quản lý chia sẻ rất chân tình và thẳng thắn. Đại khái là nhân viên kinh doanh thì sẽ khá là vất vả, nào là phải đi khắp nơi, rồi phải đi chơi, tạo mối quan hệ với khách hàng. Và chị bảo công việc khá là áp lực, đặc biệt khi mà ở thị trường Hà Nội đã bão hòa và các công ty vận tải biển thì thậm chí có chi nhánh đến tận nơi làm việc với khách hàng, chứ không qua trung gian nữa… Và cũng có những viển cảnh thật tươi đẹp: có những bạn xuất sắc thì chỉ sau 3 tháng đã lên làm trưởng phòng.

Và sau một hồi nói chuyện, biết mình không có kinh nghiệm và đang bắt đầu xin việc thì chị bảo là: nếu có nhận thì cũng không nhận em luôn mà để em suy nghĩ thêm, vì chị biết em đang mới bắt đầu đi xin việc nên chưa có tư tưởng rõ ràng là thích cái gì, muốn làm cái gì… nên rất có thể sẽ rời bỏ công ty. Mà chị ý thì nói rằng rất muốn nhân viên làm việc lâu dài, chứ không phải đến làm một vài tháng rồi ra đi. Nghe đến cái đoạn bảo là chờ em ít nhất ra sau Tết thì mình cũng nản nản, muốn từ bỏ lắm rồi, vì nói thật mình cũng chả máu me gì lắm ở vị trí “Nhân viên kinh doanh”.

Sau đó, chị ở bộ phận có thể sẽ nhận mình đưa ra tình huống: em hãy thuyết phục chị quản lý cho làm việc luôn. Lý do đưa ra câu hỏi này là thể hiện sư đeo bám khách hàng của mình. Mình thì chả nói được gì, chỉ nói là em cam kết, cam đoan này nọ sẽ không bỏ việc. Vì thực sự là chưa có kinh nghiệm, nên cũng chả biết trả lời sao, chẳng nhẽ lại bảo em đặt cọc tiền để làm việc thì buồn cười quá. Chốt lại cả 2 chị bảo là chưa thấy được sự nhiệt tình, nhiệt tâm đối với công việc này nên cho mình nghỉ và suy nghĩ. À, sau đó, chị quản lý cũng gợi ý là: lắm bạn chị đã không thích nhận ngay từ đầu, nhưng mà về sau cứ liên tục gọi điện cho chị, đề nghị chị cho làm, cho thử sức… thì chị cũng thấy được sự nhiệt tình và cho các bạn thử sức (làm việc). Mặc dù là gợi ý như thế, nhưng mình biết rằng cơ hội đã hết.

Bài học:Hãy thể hiện sự nhiệt huyết với công việc (đặc biệt là ở khuôn mặt), cho người tuyển dụng cảm thấy mình có sự định hướng nghề nghiệp rõ ràng và đặc biệt là thể hiện tư tưởng làm việc lâu dài, quyết tâm vượt qua thách thức.

Vị trí nhân viên kinh doanh (chăm sóc khách hàng) ở một siêu thị danh tiếng

Mình thực sự bị ám ảnh vì không xin được việc dù đã được phỏng vấn kha khá nhiều lần. Mặc dù vậy, những ngày giáp Tết (tức là khoảng tháng 1/ 2012) thì mình lại nhận được lời mời từ một siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài mà có danh tiếng nhất nhì Việt Nam. Và hành trình phỏng vấn lại tiếp tục.

Đầu tiên đến là được chị trưởng phòng nhân sự gửi cho 5 câu hỏi để chuẩn bị và trả lời khi phỏng vấn thực. Các câu hỏi này bao gồm: bạn thấy bạn là người như thế nào? Sau 5 nữa bạn sẽ thế nào? Điểm mạnh của bạn là gì? Thái độ của bạn đối với khách hàng?… Nói chung là những câu hỏi chung chung. Chờ khoảng nửa tiếng thì mình được mời vào phòng riêng phỏng vấn với chị ý.

Để bắt đầu, thì mình trả lời mấy câu hỏi đó. Nói chung là toàn chém gió vì thực sự là không có kinh nghiệm. Câu chuyện bắt đầu lằng nhằng hơn khi chị ý đưa ra một tình huống như sau: Em gặp phải một khách hàng lâu lăm của công ty phàn nàn về việc hàng cung cấp đến không đạt chất lượng. Vị khách này làm ở một nhà hàng sang trọng và nhập các sản phẩm như rau cá của công ty về. Vị khách phàn nàn và rất bức xúc vì giá mà công ty đưa ra cao, mà công ty lại có uy tín, vậy mà đây là không phải lần đầu tiên bị nhận sản phẩm bị hỏng, không tươi, ảnh hưởng tới chất lượng của nhà hàng. Nhiệm vụ của mình là đến thuyết phục họ không rời bỏ công ty. Mình chỉ bảo được là: đầu tiên là nhận lỗi, và sẽ báo lên cấp trên để trình bày việc này, và sẽ có sự bồi thường cho phía khách hàng. Nhưng mà khách cương quyết từ chối, thì mình cũng chỉ biết nói đi nói lại cái điều đó, và cam kết các lô hàng sau sẽ trực tiếp theo dõi sát sao, chắc chắn không để xảy ra chuyện này nữa. Khách vẫn không đồng ý và muốn không tiếp tục với công ty nữa. Mình nói lại các ý kia và bảo thêm với khách là: chị (vì chị quản lý đang đóng vai là khách mà) cũng nên giúp đỡ chúng em một phần vì bên chị cũng ít nhiều nên có người giám sát khi nhận hàng. Khách vẫn không đồng ý và từ chối tiếp tục. Cứ như thế khoảng một lúc thấy mình đơ ra thì chị quản lý mới thôi. Và trước khi kết thúc phỏng vấn, có nói đến mức lương, mình đề xuất là 3.5 triệu, nhưng chị ý bảo là em vừa mới ra trường, lại không có kinh nghiệm chị cũng chỉ dám nhận em với mức 2.5 triệu. Kết thúc.

Về nhà mệt gần chết thì khoảng vài tiếng sau, được thông báo mời đến phỏng vấn ngày mai với trưởng phòng bộ phận kinh doanh. Trước khi được vào phỏng vấn thì mình cũng phải chờ kha khá và công ty vẫn đang tiếp tục tuyển nhiều vị trí, trong đó có cả vị trí mà mình đang phỏng vấn. Đến lúc vào phỏng vấn với trưởng phòng kinh doanh, nói dăm ba câu biết là tạch. Đại khái là: em biết công việc mà em sẽ tuyển vào thì sẽ làm gì không? Mình bảo chung chung là duy trì khách hàng, tìm khách hàng, thiết lập mối quan hệ… Thì trưởng phòng bảo: em đã đọc kỹ cái mô tả công việc chưa? Hóa ra là trong đó nó viết: không phải là đi tìm khách hàng, mà là chăm sóc khách hàng sẵn có theo phân công của trưởng phòng. Nói thực là mình có đọc nhưng không nhớ, vì có ai ngờ lại hỏi cụ thể chi tiết đến thế đâu. Sau đó đến câu hỏi: đối tưởng khách hàng chủ yếu của công ty là ai? Mình cứ ngơ ngơ, nói là doanh nghiệp nói chung. Và câu trả lời đúng là HOCERA. Hóa ra, về sau xem lại mới biết đúng là có HOCERA thật, và lúc đó mới biết cái từ đó nghĩa là gì. Đến câu thứ ba thì thôi luôn: thế em biết những gì về công ty? Mình cũng đã tìm hiểu rồi, nhưng mà nhiều cái kiểu như bao nhiêu nước có sự xuất hiện, rồi xuất phát từ đâu, rồi doanh thu và lợi nhuận toàn cầu là như thế nào thì kể làm gì. Và sau đó, trưởng phòng nản và bảo em có thể về. Và mình cũng nản luôn.

Bài học:Nên đọc kỹ cái bản mô tả công việc để biết mình sẽ làm gì, cần làm gì và trả lời cho nuột nà. Ngoài ra, mình cũng phải định vị lại bản thân. Như ở phần phỏng vấn với chị trưởng phòng nhân sự thì có các câu hỏi dạng như: điểm mạnh, điểm yếu, kỹ năng của bạn là gì?

Có lẽ là cần có một bài viết nữa thì mới kết thúc được chuỗi bài về phỏng vấn này. Đi ngủ thôi.

Gửi phản hồi