Chuyên mục
Chuyến đi

BT#2: Động Thiên Đường, động Phong Nha và ga Đồng Hới

Ngày hôm nay, mình dành phần lớn thời để đi thăm thú hai cái động hoành tráng, đẹp nhất nhì tại Đồng Hới, Quảng Bình. Cũng không kỳ vọng sự thú vị ở lần đi này lắm vì mình dám chắc là đi sẽ rất đơn giản, không có đoạn phải trèo đèo lội suối gì nhiều. Điều kỳ vọng nhất lần này là có thể sẽ đi với khách Tây và có hướng dẫn viên đi cùng.

Sáng dậy sớm, tâm trạng khoan khoái, mình sang quán ăn bên cạnh làm bát canh cá lóc (nóc – không biết chính xác gọi là gì nên sẽ gọi tiếp là lóc). Bát canh này trị giá 20k, ở đây, chắc ăn thế này cũng khá là “đại gia” rồi đây. Ở đây, thấy ăn gì cũng có một bát rau cải sống bên cạnh với canh/phở, ai không quen thì có lẽ hơi khó ăn, mình thì lại thấy hợp quá, chả khi nào mà đĩa rau lại không hết.

Điểm tâm buổi sáng: canh cá lóc.
Điểm tâm buổi sáng: canh cá lóc.

Ăn vừa đủ no, mình đi tới chỗ công ty du lịch chờ xe đi qua đón. Đang kỳ vọng là đi với đoàn khách Tây để ké tý hướng dẫn viên mà thất vọng… Đi cùng là ba người Việt Nam chứ chả phải là Tây Tàu gì. Tuy nhiên, ngồi nói chuyện một lúc mới biết đây là hai bác lớn tuổi cùng con gái đi tới đây chơi. Cả nhà là ở Hà Nội, và họ nói chuyện cực kỳ hiểu biết, và quan tâm mình nữa. Cảm giác đỡ thất vọng hơn, thấy có  gì đó ấm cúng, và hơi chạnh lòng chút.

Table of Contents

Lên đường

Từ Đồng Hới, để đi tới Phong Nha thì xe sẽ đi qua một đoạn đường tránh QL1 ở Đồng Hới, rồi đi đường HCM đoạn Trường Sơn Đông. Trên đường đi thì bắt gặp cảnh trâu bò lững thững như thế này đây:

Ai nhường ai trên đường Hồ Chí Minh đây?
Ai nhường ai trên đường Hồ Chí Minh đây?
Đường điện 500kV Bắc – Nam, đoạn đi qua Quảng Bình.
Đường điện 500kV Bắc – Nam, đoạn đi qua Quảng Bình.

Đường Hồ Chí Minh công nhận là được cả đường và cảnh đẹp. Nhìn thế này lại nổi ham muốn phải đi hết tuyến đường Hồ Chí Minh này mới được :D.

Đường Trường Sơn Đông, tuy không to nhưng mà đẹp, chạy tít có thể được tới 80km/h.
Đường Trường Sơn Đông, tuy không to nhưng mà đẹp, chạy tít có thể được tới 80km/h.
Một góc khác của đường Hồ Chí Minh, đoạn Trường Sơn Tây.
Một góc khác của đường Hồ Chí Minh, đoạn Trường Sơn Tây.

Lúc đầu mình cũng ngạc nhiên tại sao lại có đường Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây thì hóa ra mới biết đoạn đường Hồ Chí Minh đi qua Quảng Bình và Quảng Trị gồm 2 con đường song song nhau, ở giữa là một dãy núi (không nhỡ rõ liệu đó có phải là dãy Trường Sơn hay không).

Theo như lời kể của anh tài lái xe thì vùng núi này chỉ có người dân tộc Vân Kiều sinh sống, trong đó chủ yếu là họ Hồ. Các nhà sàn ở đây khách Tây rất thích đến để ở, một phần vừa để trải nghiệm, một phần để đi khám phá Phong Nha Kẻ Bàng cho gần. Anh tài cho biết ở đây có dịch vụ cho du khách trải nghiệm thực tế, mà chủ yếu khách Tây, đó là trả tiền để được rắc phân và cày ruộng. Nghe thì lố bịch nhưng đúng là nhiều khi người ta muốn trải nghiệm cuộc sống người dân địa phương thì phải mất tiền để làm những việc quá đỗi bình dị của người dân ở đó.

Trên đường đi, anh tài có dẫn đến Khu du lịch sinh thái Suối Nước Moọc. Bác tài này cũng lém lỉnh ghê, dẫn đến rồi hỏi anh/chị và các bác có muốn đi vào khu du lịch này nữa không. Nhìn cái cảnh một đám thanh niên đang đi bộ qua một cái cầu khỉ nho nhỏ thì thử hỏi có người cao tuổi nào máu me nữa không? Mình cũng đành ậm ừ: “Vâng, cái này chắc chẳng có gì đâu, mình tập trung đi cái Động Thiên Đường và Động Phong Nha kia thôi ạ.” Còn kỳ thực, mới nhìn từ đường Hồ Chí Minh, cảnh vật cũng đã đạp và xanh mướt như này:

Suối Nước Moọc – làn nước được đẩy từ dưới lên, tạo thành suối.
Suối Nước Moọc – làn nước được đẩy từ dưới lên, tạo thành suối.

Chỉ dừng lại ở đây ít phút để nhìn ngắm nước ở dưới đẩy lên rồi quay trở lại đi thăm Động Thiên Đường trước. Động Thiên Đường này là do một công ty tư nhân bỏ vốn đầu tư và khai thác, nghe đâu tỉnh Quảng Bình không đủ tiền để đầu tư khai thác du lịch một công trình như vậy. Cũng theo anh tài xế, đại gia này là Công ty Trường Thịnh, một công ty có máu mặt nhất ở mảnh đất Quảng Bình. Trường Thịnh chính là chủ sở hữu Sunspa Resort nổi tiếng ở cửa sông Nhật Lệ, và để đầu tư Động Thiên Đường thì công ty còn bỏ vốn ra để làm tuyến đường tránh QL1 đoạn qua Đồng Hới, nhằm đưa du khách từ Đồng Hới tới Phong Nha một cách thuận tiện. Đúng là đất nào cũng có đại gia hùng cứ cả!

Động Thiên Đường

Động Thiên Đường là động mới khai thác nên khách du lịch nào đi từ khoảng 3 năm trước sẽ không có điều kiện được nhìn tuyệt tác này. Trước khi vào đã nhận được nhiều thông tin cho rằng, động Thiên Đường to và đẹp hơn Động Phong Nha. Động Thiên Đường có điểm khác với các động khác đó là động khô, tức là nằm ở trên cao, chứ không tà tà có sông, suối chảy qua như Phong Nha chẳng hạn.

Vì động khô, ở trên cao nên để tới được cửa động, mọi người phải leo bộ lên núi phải tầm 15 – 20 phút. Với thanh niên thì không phải là chuyện lớn, nhưng với hai bác đi cùng mình cũng tầm xấp xỉ 70 thì đi cũng vất vả phết. Nhưng hai bác tươi tắn lắm, và cũng nhanh chóng leo lên tới nơi.

Khung cảnh núi rừng, thiên nhiên xanh ngút ngàn ở cửa động Thiên Đường. Click vào để xem ảnh full-size.
Khung cảnh núi rừng, thiên nhiên xanh ngút ngàn ở cửa động Thiên Đường. Click vào để xem ảnh full-size.

Động Thiên Đường được phát hiện năm 2005 và có chiều dài được khám phá là 31.5km, được coi là hang động khô dài nhất châu Á hiện nay. Tự hào ghê gớm! Với khách du lịch bình thường thì sẽ chỉ được tham quan 1km đầu tiên đã được làm bậc thang chắc chắn. Những ai ưa khám phá muốn vào khám phá tới 7km thì chi phí là 2 triệu đăng ký trước 1 ngày, đi khám phá ở trong động từ 1 – 2 ngày.

Vào động là một không gian rộng lớn vô chừng, nhìn con đường gỗ chắc chắn được xây dựng thì giá vé 200.000đ cũng không phải quá là chát. Có một điểm thú vị khi đi tham quan ở đây đó là cứ bất kỳ nhũ nào hiện lên thì hướng dẫn viên du lịch không làm gì khác là sự liên tưởng, liên tưởng và… đặt tên: thầy trò Đường Tăng, phật bà quan âm, tiên nữ, chị Hằng Nga, rồi cùng một tảng nhũ bảo: người theo Phật thì bảo tượng Phật, người theo đạo Thiên Chúa thì bảo là chúa Jesu. Đi nghe thuyết minh mà không khác gì “Uống Fristy – cho trí tưởng tượng bay xa”.

Một góc Động Thiên Đường, tay rung rung nên chất lượng ảnh kém quá. Click vào để xem full-size.
Một góc Động Thiên Đường, tay rung rung nên chất lượng ảnh kém quá. Click vào để xem full-size.

Trong Động Thiên Đường có khối nhũ này đặc biệt nhất. Bình thường nước bao gồm chất làm nhũ sẽ nhỏ theo hướng xuống dưới và đầu nhọn hướng xuống đất. Khối nhũ này thì lại như được hình thành ở dưới đất lên, nhưng sự thực là nước vẫn nhỏ từ trên xuống, bị tung tóe nên có hình thù vậy.

Khối nhũ đặc biệt, hiếm có khó tìm.
Khối nhũ đặc biệt, hiếm có khó tìm.

Động Phong Nha

Sau bữa cơm trưa, cả bốn bác cháu lại tiếp tục sang bên Động Phong Nha. Đến lúc này trời lại phây phây mưa cộng với sáng đi bộ nhiều, cảm giác buồn ngủ kéo đến. Trên quãng đường đi thuyền từ bến phà vào tới động, mất khoảng 40 phút, mình cứ chống tay ở trên ghế và bắt đầu hiu hiu nằm ngủ. Cảm giác mệt quá.

Động Phong Nha đã quá nổi tiếng và được khai thác từ lâu, nhưng sau khi có Động Thiên Thường thì bị đánh giá không bằng và dường như ít hấp dẫn hơn với du khách. Còn với mình, tất cả đều mới cả nên có những cái thú vị rất riêng.

Cửa động Phong Nha trong trời mưa.
Cửa động Phong Nha trong trời mưa.

Phong Nha là động ướt nên để đi vào trong du khách cần đi thuyền. Có một chút khác biết về ánh sáng giữa ở đây và Động Thiên Đường: Động Thiên Đường sử dụng một hoặc cùng lắm là hai màu sắc, trong khi Động Phong Nha sử dụng rất nhiều màu sắc. Vào trong động cảm giác cũng thần tiên lắm, nhìn lên trần, rồi nhìn sang hai bên của dòng sông chạy giữa hang, chắc ai cũng có cảm giác vào hang của Bạch Cốt Tinh hay những khung cảnh thần bí, đa màu sắc ở trong phim Tây Du Ký.

Có giống hang động của yêu tinh không nhỉ?
Có giống hang động của yêu tinh không nhỉ?
Khối nhũ “khủng” nhất ở Động Phong Nha, có một chỗ lấm tấm như ánh kim cương.
Khối nhũ “khủng” nhất ở Động Phong Nha, có một chỗ lấm tấm như ánh kim cương.
Nhũ từ đâu mà ra? Từ mấy giọt nước này thế thôi.
Nhũ từ đâu mà ra? Từ mấy giọt nước này thế thôi.

Trở về Đồng Hới đón chuyến tàu đêm

Quay trở về chỗ nhà nghỉ ở gần ga để lấy đồ thì là khoảng 5 giờ chiều. Trong đầu đang nhẩm tính nếu không có vé tàu nữa thì chắc mình chạy ra đường QL1 để bắt xe ô tô đi vào Huế tiếp quá.

Ra hỏi vé tàu thì chuyến muốn đi là khoảng 1 giờ đêm thì đã hết vé, nhưng may quá chuyến 3 giờ vẫn còn vé. Tặc lưỡi sẵn sàng đi thôi, và cộng thêm khoảng 1 tiếng nữa vì mấy ngày hôm nay ở ga Đồng Hới tàu toàn chậm từ 1 đến 2 tiếng.

Tập xác định là tối và đêm hôm nay chỉ có quanh quẩn ở ga Đồng Hới, làm việc và lên tàu đi sang Huế thôi. Mua vé xong cứ tha thẩn ở ga để làm việc và nói chuyện với một cụ có con cái đang làm việc ở Sài Gòn. Cụ đi xong thì mình ra ăn chút cơm rồi quay lại nhà ga tiếp. Dẫu sao, đêm hôm ở nơi vắng người này thì ở trong nhà ga vẫn là an toàn nhất.

Lúc khoảng 12 giờ, mình tắt laptop đi mà cũng không thể ngủ được luôn. Có cố một chút nắm thì cũng rất mỏi người. Cái ghế ngồi ở ga khá rộng, nhưng  lại không xếp với nhau được để nằm. Ngủ cứ gà gà gật gật, lại còn phải còn ôm cái laptop nữa, không có thanh niên nào chạy tới giật cái balo có laptop thì chắc tèo. Cứ chập chờn như vậy mãi, người uể oải, muốn ngủ mà không ngủ được!!! Và đúng như kế hoạch tàu đến chậm, hơn 4 giờ sáng tàu mới tới ga Đồng Hới, và dự kiến mình sẽ đi khoảng 4 tiếng nữa để tới Huế với một giấc ngủ no say (trong 4 tiếng).

Ga Đồng Hới lúc 4 giờ sáng. Tạm biệt Quảng Bình, mình sang Huế đây.
Ga Đồng Hới lúc 4 giờ sáng. Tạm biệt Quảng Bình, mình sang Huế đây.

#Nếu quay lại Quảng Bình, mình sẽ đi đâu?

  • Tour đi 13km vào Động Thiên Đường
  • Hang Sơn Đoòng
  • Đi hết đường Hồ Chí Minh ở đây
  • Suối nước nóng Bang và khu du lịch Suối nước Moọc

2 trả lời trong “BT#2: Động Thiên Đường, động Phong Nha và ga Đồng Hới”

cái món canh mà cậu ăn là món cháo bánh canh cá lóc đặc sản của Quảng Bình đó, nhưng cậu phải mua thêm khoai lang dẻo thì mới đúng là “đặc sản” hơn. Đảm bảo chỉ cần mua 1 túi nhỏ là cậu có thể ăn suốt chuyến đi từ Quảng Bình vào tới Sài Gòn cũng chưa hết.

Thế à, cái món khoai dẻo đó tớ không biết, lần tới có đi qua phải thử xem. Còn cái món ở đầu bài này là “bánh canh” chứ đâu phải “cháo” đâu nhỉ?

Gửi phản hồi