Chuyên mục
Chia sẻ

Câu chuyện Steve Jobs

Gần hai năm sau sự ra đi của Steve Jobs, mình mới đọc cuốn sách về tiểu sử Steve Jobs. Và phải khoảng nửa năm tiếp theo thì mình mới hoàn thành cuốn sách này.

Những trang đầu tiên về Steve Jobs kể về những câu chuyện thời quá khứ, những năm 60 – 70 thế kỷ trước, không hấp dẫn mình cho lắm. Có thể một phần là mình sinh ra và lớn lên không ở giai đoạn này, không hiểu được hết các ý nghĩa của việc đột phá trong công nghệ. Phần mình thấy hấp dẫn nhất là khoảng 30% cuối cùng, kể từ khi Steve Jobs từ Pixar trở về Apple, mình đọc 30% này chỉ trong khoảng hai tuần.

Một phần của trang tưởng nhớ về Steve Jobs trên website Apple.
Một phần của trang tưởng nhớ về Steve Jobs trên website Apple.


30% cuối này hấp dẫn có lẽ vì đó là khoảng thời gian mình có những ý niệm trong cuộc sống, sự thay đổi chóng mặt về công nghệ: lần đầu tiên biết đến một thiết bị gần giống với iPod khi học cấp hai (máy nghe nhạc Sony mini, khoảng 128 MB, hồi đó cầm cái này thì như cầm iPhone 5 bây giờ). Tiếp theo sau, mình biết đến iPhone khi học cấp ba, đến iPad khi học đại học và sự cuồng nhiệt của giới công nghệ kể từ những năm cuối đại học của mình tời giờ.

Đó là sức hấp dẫn khi kể về những sãn phẩm hiện hữu tới tận bây giờ: iPhone, iPod, iMac, iTunes, AppStore, Mac… Mình chưa sử dụng sản phẩm Mac nào (nói chính xác là sở hữu, cũng có động chạm vài lần) nhưng qua các câu chuyện, lý do hình thành từng sản phẩm thì thấy quả thật là tuyệt vời.

Steve có tư duy khác so với nhiều người, cách tiếp cận của một người khác thường. (Đúng! Những người sáng tạo thì thường khác thường và cũng theo Jobs đó là những kẻ làm cho nhân loại phát triển.) Ông không dùng các nghiên cứu thị trường, mà dùng chính cảm quan nhạy cảm của mình và các công nghệ mới nhất (điển hình là công nghệ cảm ứng đa điểm) để quyết định người dùng có thể mong muốn gì, luôn đi trước nhu cầu một bước và tạo ra nhu cầu của khách hàng.

Khi đọc về quá trình hình thành từng sản phẩm, mọi người đều có thấy ông quan tâm đến sản phẩm của mình như thế nào: chăm chút từng tý một, sẵn sàng phá hủy và làm lại nếu nó không tốt cho người dùng. Sau đó, ông yêu cầu phải có những cách tiếp cận và marketing khác biệt hẳn đưa các sản phẩm đạt đó đến đỉnh cao. Có thể nói đây là mong muốn của những người marketer chân chính: tâng sản phẩm của mình tới tầm cao nhất, nhưng đó là những giá trị thực mà người dùng nhận được; không sử dụng các thủ pháp marketing để lôi kéo người dùng, để đánh lừa cảm xúc của họ.

Đoạn cuối khi cận kề cái chết cũng thật xúc động. Ông hồi tưởng lại việc mình đã theo đuổi lý tưởng của mình như thế nào, muốn thay đổi thế giới như thế nào… tất cả ông đã đạt được. Nhưng thật tiếc, sự cố chấp đã đem lại cho ôngthành công và những sản phẩm xuất sắc thì… cũng lại là lý do ông phải ra đi quá sớm. Và giờ đây lý tưởng của ông về việc đưa lại những sản phẩm đơn giản hơn, đem lại những trải nghiệm tốt hơn… chính là những thừ mà những người làm sản phẩm đang hướng tới.

Điểm mình thích ở ông là: niềm tin về sự kết hợp giữa nghệ thuật và công nghệ, tập trung cao độ để đạt thứ mình muốn, làm việc vì sản phẩm – không phải vì tiền, sự cương quyết trong giữ vững vision (tầm nhìn) về việc kết hợp phần cứng và phần mềm. Trong số đó, mình thích nhất là ý tưởng “kết hợp giữa nghệ thuật và công nghệ”, nó cũng giống như niềm tin của mình hiện tại “marketing và công nghệ”.

RIP Steve Jobs!

Gửi phản hồi