Chắc cụm từ geisha không ít người đã nghe nói đến, nhưng hiểu rõ được công việc này nghĩa là gì thì chưa chắc. Thì đây, cuốn sách khắc họa lại công việc của một geisha, những cảm xúc rất con người, những yêu ghét, những hy vọng và ham muốn.
Tóm lại geisha là người mua vui cho các ông khách đến giải trí. Mua vui theo đúng nghĩa đen, không liên quan một tý gì đến… sex. Thực ra chẳng có từ nào tương đương trong tiếng Việt cả vì đây là nghề đặc thù, riêng biệt của Nhật; nhưng đôi khi từ geisha được Việt hóa thành “kỹ nữ Nhật Bản” tạo nên sự hiểu nhầm liên quan tới… sex.
Đọc cuốn sách này, theo cá nhân mình thấy để trở thành geisha cũng giống như nuôi… gà chọi như thi học sinh giỏi các cấp ở Việt Nam.
- Đầu tiên phải được mẹ (người chủ của mỗi “lò” geisha) chọn, đầu tư cho đi học (văn, thơ, múa, hát, v.v.). Lúc này các geisha mới khoảng 12 – 13 tuổi, thậm chí là 10 tuổi.
- Tiếp theo, phải có một người geisha đi trước, nhận làm em nuôi, hướng dẫn các bước và giải thích các vấn đề liên quan khi tiếp khách. Học hành chán chê thì sẽ được cho đi tập sự, tiếp khách cùng với người chị.
- Sau đó là đến đoạn tìm cách bán mizuage (trinh tiết) như là màn ra mắt, đánh dấu bước trưởng thành của geisha từ tập sự thành chính thức. Mặc dù là chuyện mua bán, nhưng với họ chỉ đơn giản là sự thay đổi. Giai đoạn này thường khoảng 16 – 18 tuổi.
- Tiếp theo là geisha đi làm việc thật sự của geisha và cố gắng tìm danna (người bảo trợ). Người này như là người sở hữu cô geisha nhưng không cấm đoán việc tiếp tục làm geisha, đương nhiên sẽ có sex giữa geisha và danna. Cô geisha nào cũng muốn có danna giàu có để có thể chu cấp các khía cạnh của đời sống.
Thực ra cuốn sách này hay ở chỗ lồng ghép những bước đi đó của geisha cùng với câu chuyện cá nhân của cô gái nhân vật chính. Cô không có tý xíu khái niệm nào để trở thành một geisha, nhưng bị lừa bán tới một “lò” geisha. Sau đó là một loạt các hành trình như tìm lại về quê hương, đấu tranh và may mắn được lựa chọn làm geisha, chiếu đấu với sự đố kỵ của cô geisha khác, trở thành geisha nổi tiếng nhất nhì vùng Kyoto, thoát khỏi những ngày gian khổ khi Nhật bại trận trong thế chiền thứ hai, tình yêu không lời bao nhiêu năm, v.v.
Làm geisha có nghĩa là nhiều khi không được sống với chính cảm xúc, tình yêu và mong muốn của mình. Một điều mà mình thấy hơi chua xót khi cô geisha chị của nhân vật chính nói: “Chúng ta đâu có quyền lựa chọn nào khác…?”
Dòng cuối của cuốn sách để lại nhiều suy nghĩ cho mình… Cuộc đời sẽ có lúc thăng lúc trầm, ai cũng trải qua, nhưng đến cuối thì mọi thứ cũng sẽ chẳng còn lại gì.
Cuối cùng, Nhật Bản luôn luôn có những điều thú vị và riêng biệt không pha trộn hay giống bất cứ nước ngoài khác. Ngay cả việc nói chuyện vui cho khách cũng thành một nghề đòi hỏi nhiều sữ nỗ lực và học tập.
Keep foolish, myself!