Tháng trước (03/2018), mình dành 10 ngày để leo Everest Base Camp (xem thêm ở đây – tiếng Anh). Nhìn chung, cả chuyến đi không quá khó nhưng cũng không hề dễ. Cảnh vật thay đổi trên đường đi, cảm giác khó thở khi lên tới độ cao 5000m, và giá cả đắt đỏ là những thứ đem lại những trải nghiệm hoàn toàn thú vị.
Bài này mình viết vừa để note lại cho chính bản thân mình, vừa hy vọng là nguồn thông tin có ích cho các bạn muốn chinh phục EBC có sự chuẩn bị tốt hơn.
Table of Contents
Thông tin chung về leo EBC
EBC không phải là đỉnh Everest ở độ cao trên 8000m. EBC dịch sang tiếng Việt là “trạm căn cứ leo Everest”, và độ cao chỉ là khoảng trên 5000m. Đúng như tên gọi, đây là nơi mà những người muốn chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới phải luyện tập dành cả tháng trời ở đây.
EBC không hề nguy hiểm và không quá tốn kém, khác hoàn toàn với chinh phục đỉnh Everest. Để chinh phục Everest, một người cần khoảng vài tháng, cỡ 100k USD (chính xác là một trăm nghìn đô nhé), và tỷ lệ “ngoẻo” là 10%. Trong khi đó, leo EBC mất khoảng 10 – 14 ngày, cỡ 1500 USD, và tỷ lệ chết có thể nói là 0%.
EBC có những thách thức riêng và không phải phù hợp cho mọi người. Để leo lến đến EBC, người tham gia cần liên tục đi bộ mỗi ngày từ 4 đến 8 giờ, tuỳ tốc độ và thể lực mỗi người. Ngoài ra, điểm khó khăn nhất là khi lên tới một độ cao nhất định thì nhiều người sẽ không chịu được không khí loãng. Như với mình, từ độ cao trên 5000m, việc leo cao thêm là đặc biệt khó khăn. Nhưng cũng có những người chỉ lên đến độ cao khoảng 4000m đã thấy khó thở.
EBC không rực rỡ và gần như không nhìn thấy đỉnh Everest. Mình thấy hợp lý vì EBC sinh ra dành cho những người leo Everest nên họ lựa chọn một nơi gần như thu mình giữa các dãy núi khác, rất kín gió. Tuy nhiên, trong chuyến đi mọi người sẽ leo đỉnh Kala Patthar gần EBC, từ đây sẽ có góc nhìn đẹp nhất tới Everest và các ngọn núi cao khác.
EBC không có nghĩa là phải cắm trại và ngủ ngoài trời. Như leo Fansipan, mình phải ngủ lán nhưng trên đường đi EBC đều có các nhà nghỉ. Dù vậy, các phòng nghỉ hầu như rất đơn giản, chỉ khoảng 10m2, có giường và chăn. Vì phòng rất đơn giản và đi lên cao, thời tiết sẽ rất lạnh về đêm. Nhiệt độ đêm hầu như dưới 0 độ, dù mình đi vào cuối xuân đầu hè, nên việc ngủ sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, cũng nên xác định là việc tắm rửa rất hạn chế hoặc khá đắt, và phải trả thêm $5 đến $10 cho một lần tắm.
Lên kế hoạch và trước khi lên đường sang Nepal
- Chuẩn bị sức khoẻ. Việc leo liên tục 10 ngày đòi hỏi thể lực của bạn phải tốt và bền bỉ.
- Chọn mùa. Thông thường có hai mùa: tháng 3 – 5, và tháng 9 – 12. Mình đi vào tháng 3 nên gần như không có tuyết, nhưng có băng đá. Còn nếu lựa chọn đi tháng 9 – 12 thì hầu như toàn bộ quãng đường đi sẽ có tuyết. Với người Việt mình sống ở đất nước gần như không thấy tuyết, mình nghĩ lựa chọn đi tháng 3 đến 5 là phù hợp hơn.
- Mặc dù đi cả ngày thì rất mệt mỏi, nhưng tối đến hầu như chỉ ở trong phòng và khá chán. Các bạn nên mang sách, tú, hay board game từ nhà đi. Lưu ý: lên cao gần như không có internet và điện sạc để dùng điện thoại, hoặc có thì rất đắt.
- Bảo hiểm du lịch. Cái này cần thiết vì Nepal là nước hay bị động đất. Ngoài ra, với EBC, nếu trên đường bạn leo mà bạn gặp bất cứ vấn đề gì về sức khoẻ, bạn có thể gọi trực thằng và bảo hiểm du lịch giúp bạn chi trả phần chi phí này, đôi khi lên tới 5000 USD. Theo như guide của mình nói, khoảng 25% người leo cần sử dụng dịch vụ này.
- Hồ Gokyo. Bạn nên cân nhắc đi thêm điểm này. Mình gặp ai trên đường đi cũng khen tới tấp điểm này. EBC như là một mục tiêu để các bạn đạt đến, còn hồ này thì nhiều người nói như thiên đường. Lưu ý, bình thường leo EBC mất 10 – 12 ngày, và nếu muốn đi thêm điểm này thì bạn cần 14 – 17 ngày. Nếu mình có cơ hội quay lại đây, mình chắc chắn sẽ đi điểm này.
- Mình thì đi một mình theo công ty du lịch. Mình trả cho công ty là $1000 cho toàn bộ chuyến đi cho hành trình 10 ngày, từ khi xuất phát ở thủ đô Kathmandu cho đến khi quay trở lại thủ đô. Tuy nhiên, tính ra, mình phải chi thêm cho các chi phí cá nhân dọc đường khác khoảng $200 nữa, bao gồm nước uống, ăn thêm, và một số chi phí khác.
- Công ty mình đi tên Himalayan Recreation Treks & Expedition. Nói chung mọi chuyện đều OK, trừ hai điểm: liên tục nhắc mình phải tip cho guide, và không rõ ràng trong việc mình phải trả thêm chi phí vì mình đi một mình. Mình không chê nhưng cũng không quá recommend cho công ty này.
- Ngoài ra, bạn có thể tự đi mà không cần người dẫn đường. Lúc đầu, mình nghĩ cái này nguy hiểm, nhưng thực ra không hẳn là không thể. Trên đường mình đi, nhiều người tự đi với bản đồ trên tay, có những người đi một mình, có những người đi với cả nhóm bạn. Mình thấy cũng khá thú vị, và chi phí có thể giảm đi. Tuy nhiên, có một vài nhược điểm bạn nên cân nhắc. (1) Bạn đến đâu thì phải kiếm phòng đến đó. (2) Bạn có thể không biết điểm hay ho trên đường đi. (3) Quan trọng: khi bạn gặp vấn đề sức khoẻ, bạn phải tự túc và tự liên hệ trực thăng.
- Nếu đi tự túc, đây là một số thông tin về chi phí cho một người để bạn có thể tham khảo. (1) Nhà nghỉ – từ $5 đến $10 tuỳ độ cao. (2) Nước uống – từ $1 đến $4 cho một lít nước, trung bình khoảng $5 / ngày. (3) Ăn – trung bình $20 – $30 / ngày. (4) Các chi phí khác: vé máy bay và chi phí permit (dạng vé vào khu bảo tồn của họ).
- Trong suốt chuyến đi, bạn sẽ gặp nhiều kiểu thời tiết và thậm chí cùng xuất hiện một lúc: mưa, nắng, gió, bụi, tuyết, nóng, lạnh. Vì vậy, bạn càng chuẩn bị đồ đạc càng kỹ thì càng tốt – ý mình là xem tiếp phần dưới, haha!
Đồ đạc và dụng cụ
Tất cả các đồ đạc mình liệt kê dưới đây thì đều có sẵn ở Kathmandu, và trên đường leo EBC. Tuy nhiên, tốt nhất là nên chuẩn bị trước nếu có thể vì giá cả ở Kathmandu thường rất ảo ảnh, giá cả trên đường đi thì còn đắt hơn.
- Balo – nên chọn loại tốt, nhiều đồ, dễ vác trên vài, và có thể mang theo nhiều ngày. Cái này thì các bạn leo núi thì chắc là rõ.
- Đèn chiếu – mình thấy nên sử dụng loại đeo được trên đầu. Cái này cần thiết vì có thể đi vào ban đêm hoặc sáng sớm. Nhà nghỉ ở các nơi trên cao thì có thể không có đèn hoặc rất lờ mờ.
- Giày trek – cái này mình thấy cần thiết vì đi hẳn 10 ngày, thời tiết và môi trường thay đổi rất nhiều. Mình thuê ở Kathmandu là $2/ngày.
- Tất trek – ngày đầu mình dùng tất bình thường. Nhưng về sau dùng tất trek, mình thấy chân đi êm lên rất nhiều. Cái này nên mua hẳn 3 – 4 đôi.
- Túi ngủ – mình thuê ở Kathmandu $1.5/ngày. Mình thì hoàn toàn không dùng túi ngủ, nhưng nếu cơ thể bạn không giữ nhiệt tốt thì vẫn nên thuê.
- Thuốc chống ốm vì độ cao – cái này mua nên mua ở Kathmandu. Nếu không được thì có thể mua trên đường đi – thị trấn Namche Bazar. Nên tìm hiểu kỹ thuốc này để uống. Mình thì không dùng, nhưng trên đường đi có nói chuyện với mấy bạn nước ngoài thì bảo là phải uống nhiều nước.
- Mũ len và mũ lưỡi trai
- Găng tay
- Kem chống nẻ – môi mình bị tàn phá kinh khủng vì mình không dùng.
- Kem chống nắng
- Kính râm – càng đi lên cao, càng không có cây cối, tia càng nhiều, và ánh sáng càng mạnh.
- Khăn quàng cổ để chống gió
- Gậy – cái này mình không dùng nhưng chắc chắn là trợ lực rất tốt.
- Bình giữ nhiệt
- Tấm thu năng lượng mặt trời – cái này mình không có nhưng trên đường đi mình thấy nhiều người mang theo. Mục đích là để tối đến có thể sạc điện thoại. Nếu không, trên đường đi, mình cần phải trả khoảng $2 – $4 cho mỗi lần sạc điện thoại.
- Quần áo cho thời tiết 0 độ.
Trong chuyến đi
- Chọn sim của nhà cung cấp Ncell. Đây là mạng tốt nhất cho vùng EBC này.
- Ngoài ra, trên đường đi, bạn có thể mua Everest Link. Nhưng giá của nó thì hơi chát, $6 cho mỗi 200MB. Vì nó kết nối qua Wifi, nên tiêu tốn rất nhanh. Mình thì chỉ dùng để báo về cho gia đình, xong tắt đi luôn.
- Đi máy bay giữa Kathmandu (KTM) và Lukla. Check-in lên máy bay của tuyến này rất đơn giản và thô sơ. Tờ boarding pass không có đánh số, nên các bạn cố gắng chờ ở hàng đầu để được ngồi cửa sổ. Đi từ KTM đến Lukla thì nên chọn ngồi bên trái, chiều người lại thì bên phải.
- Bình tĩnh đi chậm nhưng chắc, và dần dần làm quen với độ cao và nhiệt độ. Guide của mình kể về hai ba người Đan Mạch, đi nhanh như chạy, đến mức mà guide đuổi không kịp. Tuy nhiên, hai bà này lại sớm lên trực thăng quay trở về Kathmandu vì cơ thể không thích ứng kịp.
- Ngủ và uống nước càng nhiều càng tốt. Hai thứ này giúp cơ thể có thể thích nghi với độ cao tốt hơn.
- Chụp hình bất cứ khi nào có thể, đừng chờ đến khi quay lại, vì thời tiết có thể thay đổi nhanh. Trên đường mình đi lên thì thời tiết rất đẹp, nhưng khi mình quay xuống thì trời lại âm u.
- Nếu cảm thấy mệt, quá mệt thì nên dừng lại. Không nên đánh giá quá cao bản thân, vì nếu vượt qua giới hạn của bản thân thì rất dễ xảy những điều đáng tiếc. Chẳng hạn, mình gặp một ông người Anh rất hăng hái leo lên, có bảo hiểm nhưng không thể gọi trực thăng. Lý do là vì hôm đó trời có mưa và tuyết, không có trực thăng nào cất cánh được. Cuối cùng, ông phải quay ngược lại đi xuống điểm thấp hơn đến tận 8 giờ tối.
- Kalar Pathar – chuẩn bị thật kỹ lưỡng để giữ ấm, và chống gió, năng, và lạnh. Mình không thể leo lên đây vì quá sức với mình, một phần mình nghĩ mình hơi chủ quan nữa.
Lưu ý cuối cùng: mình đi vào cuối tháng 3. Nếu các bạn đi vào tầm tháng 9 – 12, các bạn đặc biệt lưu lý là lạnh và tuyết, và tìm hiểu thêm thông tin cho phù hợp nhé.