Chuyên mục
Chuyến đi

Cô giáo bản

Cái entry này nhất định là phải viết, nhưng mà cứ chần chừ vài hôm rồi, không hẳn vì bận mà vì toàn những lý do linh tinh. Hôm nay, sau 2 ngày quay lại Hà Nội từ chuyến đi đáng nhớ tới cực Tây của Tổ quốc, và trời đang mưa ầm ầm thì cảm hứng viết lại dâng trào nên quyết định ngồi viết.

Chuyến đi vừa rồi có hai mục đích: thứ nhất là cho các thành viên trong đoàn chinh phục mốc cực Tây của Tổ quốc cũng là nơi biên giới của ba nước Việt Nam, Lào và Trung Quốc gặp nhau tại một điểm; thứ hai là mang một chút vật dụng thiết yếu lên cho đồng bào ở khu vực xa xôi gần như là nhất của Điện Biên. Về cái mục đích thứ nhất thì không có gì phải bàn lắm và rất là nhiều người đã làm được, chỉ cần đơn giản là có một chút đam mê, không sợ khổ + quyết tâm + có đủ tiền là sẽ đạt được. Nhưng cái mình muốn nói là ở cái mục đích thứ hai với nhiều điều bất ngờ.


Chuyến đi sẽ chắc là không có gì để nói lắm nếu như đoàn mình chị Bún Ốc không bị ngã và phải đi ô tô về trước, và đoạn quay về từ điểm mốc cực Tây cho tới vào bản Nà Bủng xa xôi thì mình sẽ đi một mình. Haha, nhưng điều bất ngờ và trùng hợp xảy ra. Trên đường đi đó, có một cô giáo do duyên số thế nào mà đã lên xe đi cùng mình về đúng tới bản Nà Bủng. Nói chuyện với cô giáo trên cả đoạn đường khoảng 100km giúp mình hiểu hơn về những con người và những mảnh đất với những người như mình (xin tự gọi là “người đồng bằng”) thật là xa lạ, dường như chỉ qua sách vở và các câu chuyện trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cô giáo tên là Quyên, và bất ngờ hơn là không phải người ở địa phương ở đó mà là ở Thanh Hóa, nhưng cũng là người dân tộc và là dân tộc Thái. Câu chuyện Quyên (cô giáo bằng tuổi mình) lựa chọn làm việc ở đây lúc đầu cũng là do “cơm, áo, gạo, tiền”. Nhưng khi nói chuyện thì đúng là ở đây, mấy cái chữ “cơm, áo, gạo, tiền” thì cũng khó mà giữ lại được con người ở những nơi xa xôi khác ở lại được. Và rồi cô giáo bảo: lúc đầu thì là như thế nhưng ở dần cũng đâm quen và cực kỳ thương các em ở đó. Về sau, ngồi nói chuyện thêm, Quyên mới kể rằng trường có 60 giáo viên nhưng lại dạy ở nhiều điểm trường. Công việc chủ yếu của người giáo viên ở đây, không chỉ là dạy cho các em chữ viết như bình thường, mà còn phải là một người vận động tích cực khi các em không đến lớp. Các em nhỏ học ở các điểm này trung bình cách nhau vài quả đồi, quãng đường trung bình 1-1.5km. Ôi chao, nghe tưởng như là ngon ăn lắm, nhưng mà đây là 1-1.5km đường rừng, tức là các em phải hết đi lên, rồi phải đi xuống từng quả đồi, rồi đi qua những con đường nhỏ. Tự dưng lại nghĩ thêm nếu vào những hôm trời mưa thì sao nhỉ? Đường trơn, trượt rồi lại đồi núi bấp bênh, liệu các đôi chân của các em nhỏ mới 5, 6 tuổi có bước đi được không? Đó là các em học sinh, còn các cô giáo cũng phải tương tự thế, thậm chí còn đi nhiều hơn, và cái sự đi đó thậm chí còn vất vả hơn là giúp các em làm quen với tiếng Việt, với bảng chữ cái khi mà cô trò bất đồng ngôn ngữ. (Nà Bủng có dân cư là 100% người Mông).

Nà Bũng những ngày đầu tháng 5.
Nà Bũng những ngày đầu tháng 5 (photo by anh Tuấn Dị).

Đó là câu chuyện đi học và dạy học. Và bây giờ là câu chuyện về giúp đỡ những người dân ở đây. Nghe một anh hiệu trưởng, hiệu phó của một trường ở khu vực này bảo: ở đây phát gạo cho dân, người ta bán đi lấy tiền. Thế đấy, giúp đỡ mà giúp đỡ kiểu này thì chả ổn. Có lẽ cái thiết thực nhất lúc này là đem điện, nước sạch đến cho người dân ở đây. Nhưng mà khó vẫn lại hoàn khó, để dựng một cột điện ở trên những vùng cao này có lẽ tốn kém gấp 10 lần dưới xuôi. Vì: trang thiết bị thì thiếu, đường đi lại khó khăn (đường gập gà gập ghềnh, lại đèo dốc, khó gấp 10 lần đường đi nối Mường Nhé và Mường Chà). Còn về nước sạch chính ra lại là khoản đỡ lo hơn nếu như người dân không phá nương làm rẫy. Vì người dân từ xưa đến nay, sống ở vùng này, toàn lấy nước từ khe núi mà ra, mà nước đó thì lại là từ trong đất thấm ra, phá cây hết cái giữ nước cho đất và hết nước. Lại là một vòng luẩn quẩn nữa! Và rồi nhận ra, giáo dục có lẽ là cái cần nhất với người dân nơi đây. À lại nói thêm, anh hiệu trưởng/hiệu phó ý còn nói về NGOs nữa. Nhưng mà làm gì có NGOs nào được phép lên những vùng biên giới như thế, lại là một khó khăn. Hy vọng một ngày nào đó sẽ có những NGOs tạo được mối quan hệ tốt với chính quyền để có thể lên giúp người dân nơi đây.

(Còn tiếp)

Gửi phản hồi