Chuyên mục
Marketing

Tản mạn về Marketing Online

Cách đây vài hôm, cuối cùng cũng sắp xếp được một buổi gặp với một ông anh đang làm cho một agency về marketing online. Ông anh này đã từng làm và có nhiều kinh nghiệm về PR-Marketing, nhưng thật thú vị là bây giờ lại là chạy Google Adwords. Qua nói chuyện và trao đổi làm mình nảy sinh ra ý tưởng viết và tổng hợp một chút lại về lĩnh vực này.

Một chút tản mạn về Marketing Online
Một chút tản mạn về Marketing Online. Ảnh: internet.

Table of Contents

Marketing Online là gì?

Đúng như tên gọi của Marketing Online thì đây là hoạt động Marketing tới khách hàng trên môi trường mạng trực tuyến. Sự phát triển ngày càng đa dạng và phong phú của công nghệ tạo ra ngày càng nhiều các hình thức Marketing Online để thực thi. Mình xin tạm liệt kê ra như sau, từ cổ điển nhất tới xu hướng mới nhất:

–    Email Marketing: sử dụng email để tạo ra mối liên hệ chặt chẽ hơn với khách hàng, và từ đây từ “spam” có một nghĩa mới.

–    Banner quảng cáo: các trang web thu hút được lượng lớn người xem sẽ sử dụng một phần không gian của họ cho các nhà quảng cáo để quảng bá sản phẩm, dịch vụ… tới khách hàng.

–    SEO (tối ưu hóa cho máy tìm kiếm) và SEM (tạm dịch là marketing với máy tìm kiếm): sử dụng chính các công cụ tìm kiếm như Google, Yahoo, Bing… để tiếp cận tới khách hàng. Tuy Yahoo có công cụ tìm kiếm từ lâu nhưng “khai sinh” ra lĩnh vực này đó chính là người khổng lồ Google, với những thuật toán tính toán và xếp hạng tuyệt vời.

–    Forum Seeding, Internet Seeding (tạm dịch là reo rắc thông tin): sử dụng một cách khéo léo các diễn đàn để giới thiệu về thương hiệu và định hướng thông tin và cho khách hàng suy nghĩ hướng có lợi cho thương hiệu. Về hình thức này, mình thấy có điều lạ là các trang nước ngoài nói đến rất ít nhưng Việt Nam lại nói khá nhiều (nhiều về số lượng nhé, chất lượng thì không nhiều lắm).

–    Social Media: sử dụng mạng xã hội để tạo mối liên hệ trực tiếp, one-to-one giữa thương hiệu với khách hàng.

Marketing Online có phát triển không và tại sao?

Xu hướng được hầu hết mọi người nhận định là: mảng Marketing này chắc chắn sẽ ngày càng chiềm phần lớn trong ngân sách Marketing của các công ty. Để giải thích cho điều này thì cũng không quá khó, đặc biệt khi mà nó lại có sức hút đối với cả các marketer và khách hàng.

–    Với khách hàng: Khách hàng ngày này dựa vào thông tin tìm kiếm trên mạng ngày càng nhiều hơn trước khi ra quyết định mua sản phẩm. Thêm vào đó, mạng xã hội và báo chí mạng phát triển với chi phí rẻ hơn rất nhiều so với trước khiến họ dành thời gian lên mạng ngày càng tăng, thậm chí có một số báo cáo cho biết: thời gian người dân dành cho Internet ở một số nước đã vượt thời gian dành cho tivi.

–    Với các công ty: Điều này cũng đã được rất nhiều người, tổ chức liệt kê. Mình tóm lại ở 3 ý như sau: Thứ nhất, chi phí dành cho Marketing Online được nhiều nghiên cứu đánh giá là thấp hơn so với Marketing truyền thống (tất nhiên khi đưa về cùng một độ hiệu quả). Thứ hai, lợi thế của Marketing Online là có thể dễ dàng đo đếm được hơn Marketing truyền thống và các con số được cung cấp gần như tức thời. Thứ ba, hai điểm lợi thế ở trước chính là điểm cộng cho các công ty vào thời điểm kinh tế khủng hoảng như hiện nay.

Tiềm năng như thế nhưng có phải ai cũng có thể theo đuổi?

Khả năng sử dụng máy vi tính và Internet ở người Việt Nam ngày càng tăng, nhưng không đồng nghĩa với việc sẽ có rất nhiều người có thể nhảy vào làm ở lĩnh vực này. Về lý do thì tự mình nhận thấy và nhiều các chuyên gia trong ngành đã nói đến: ngành này quá mới mẻ, và gần như rất ít có trường lớp đào tạo bài bản, vì thế những người được coi là “lão làng” của ngành cũng hầu như là tự học.

Như trong một bài viết của một chị chuyên làm branding cho các thương hiệu lớn thì cho rằng: mảng này quá mới và thay đổi liên tục, và không có người đi trước hướng dẫn nên những người làm thương hiệu theo kiểu truyền thống gần như phải tự nghiên cứu, mày mò tự học từ các thuật ngữ chuyên môn kỹ thuật (kiểu như PPC, CTR, Conversion Rate, Social Media Reach, hay thậm chí là meta tags…), rồi các xu hướng trong ngành, v.v…

Điều đó không có nghĩa là những người làm kỹ thuật sẽ có lợi thế tuyệt đối trong lĩnh vực này. Bởi vì điểm yếu của người làm kỹ thuật cũng chính là điểm mạnh của người làm marketing: tư duy và hiểu biết về thương hiệu.

Và như vậy, cơ hội lớn nhất hóa ra là sẽ dành cho người có nền tảng kiến thức, hiểu biết và nắm bắt nhanh ở cả mảng kỹ thuật và marketing.

Gửi phản hồi