Chuyên mục
Chuyến đi

BT#3: Huế yên bình

Quả thật là tiền nào của nấy. Cái vé tàu có 80k, vé rẻ nhất đi từ Đồng Hới tới Huế, khi vào toa, mình hơi sốc một chút vì lên tàu là cảnh người nằm la liệt xuống sàn, xuống ghế, trải cả bạt hoặc chiếu xuống sàn tàu. Thực ra cảnh này không lạ với mình, nhưng vừa mới hôm qua đi trên ghế mềm điều hòa nên… hơi hẫng. Mình mang theo cái laptop nên tìm chỗ nằm thì phải ôm được nữa, chứ không anh nào vui tính xách luôn đi và xuống ở ga lưng chừng thì mình ngoẻo mất. Đến lúc nằm được thì lại không thoải mái và lại ồn ào vì mọi người nháo nhác đi vệ sinh cá nhân buổi sáng.

Dàn hoa giấy ở Tịnh Tâm Kim Cổ, bức ảnh đẹp nhất khi ở Huế. “Show” ra trước.
Dàn hoa giấy ở Tịnh Tâm Kim Cổ, bức ảnh đẹp nhất khi ở Huế. “Show” ra trước.

Việc đầu tiên khi xuống tàu là chạy đi tìm kiếm chiếc xe đạp với niềm hy vọng nó đã tới ga Huế. Chạy ngược, chạy xuôi ở các phòng ban, rồi hỏi han đủ kiểu và được biết: chiếc xe đạp chưa đến. Mặt đần ra, và tiếp tục hy vọng ngày mai thôi là nó sẽ có mặt ở Huế đây. Chị nhân viên ga ở Quảng Bình dễ thương đã bảo vậy mà.

Ở Huế, mình không liên hệ được với ai nên chắc chắn là thuê nhà nghỉ. Chưa làm gì cả, làm ly cà phê ở quán nước ngay trong ga đã. Ngồi một lúc đi vòng vòng ra đường Bùi Thị Xuân thuê một cái nhà nghỉ. Cũng may là gần ga và giá rẻ hơn Quảng Bình một chút. Mệt, định lăn ra ngủ, cuối cùng cũng chả ngủ được mấy, quyết định sẽ đi bộ một vòng thành phố xem sao.

Đi hơi ngược trung tâm một chút là mình đi vòng qua cầu Bạch Hổ, cầu này mới xây thì phải. Cũng chỉ loanh quanh bên ngoài thành, nhưng tính ra cũng phải 10km. Chân tay dẻo dai thật.

Cái đầu tiên mình để ý thấy có một đám ma, người ta dùng khăn màu tím để treo ở bên ngoài. Không hiểu người này đặc biệt hay thế nào, mình tự nhiên nghĩ: tím mộng mơ vào cả trong đám tang?

Khăn tang màu tím ở Huế!
Khăn tang màu tím ở Huế!

Đi đến giữa đường thì thấy có quán nước mía, đang trong cơn khát, nhảy vào uống thì được một ly nước mía và sầu riêng. Nói như thế nào nhỉ? Ngon tuyệt, cái thứ hương vị của mía nhưng lại có mùi hương của sầu riêng phảng phất, vừa mát vừa thơm. Tưởng là sau này sẽ tìm được lại một cách dễ dàng để uống, mà cũng không đơn giản.

Đi tiếp thì thấy một cái cổng Hoàng Thành, ồ hóa ra đã đến nơi mà cách đây vài trăm năm, các vua chúa đã từng ở đây. Ngày mai sẽ đi tìm hiểu các vị ngày xưa sống sao.

Cổng ở phía Tây Bắc của Hoàng Thành.
Cổng ở phía Tây Bắc của Hoàng Thành.

Và rồi cứ lòng vòng quanh khu Hoàng Thành, ngắm nghía phố phường và thưởng thức ẩm thực. Có đứa bạn vừa nhắn tin bảo phải thử bánh khoái đi, đặc sản đó. Vừa thấy có một quán bánh khoái gọi một cái ra thưởng thức xem sao. Mình tưởng sao, hóa ra hương vị và cách làm giống bánh xèo. Tiếp đến, lại nghe nói ở đây khu chợ Đông Ba, chợ lớn nhất của Huế có đồ ăn ngon lắm mà lại rẻ. Hì hục tìm đường đi đến, nhưng khi đến nơi thì bụng đã căng phềnh sau khi uống cốc nước mía và cái bánh khoái. Đành nhìn người ta và chụp lại tấm ảnh lưu giữ kỷ niệm chợ Đông Ba.

Bánh khoái của Huế, không khác bánh xèo là mấy.
Bánh khoái của Huế, không khác bánh xèo là mấy.
Chợ Đông Ba: đến, ngắm, thèm, và… chụp ảnh.
Chợ Đông Ba: đến, ngắm, thèm, và… chụp ảnh.
Một góc khác của chợ Đông Ba: đủ sắc màu hoa.
Một góc khác của chợ Đông Ba: đủ sắc màu hoa.

Mòn mỏi bước chân thì tới cầu Trường Tiền. Cái làm mình ngạc nhiên là tháng 8 ở đây rồi mà vẫn có hoa phượng nở đỏ rực. Mùa hè ở Huế đến muộn thế này sao?

Các góc nhìn ở quanh cầu Trường Tiền.
Các góc nhìn ở quanh cầu Trường Tiền.

Tiếp tục bước chân đi dọc sông Hương, quay ngược về phía ga Huế, chính xác thì đây là một công viên chạy dọc theo đường Lê Lợi và sông Hương. Người Huế sướng thật đó có một con đường to, đẹp, công viên, sông Hương và rất nhiều công trình của Pháp vẫn còn giữ lại được như trường Quốc học Quế, trường Hai Bà Trưng, trường ĐH Huế, khách sạn Morin…

Cổng trường Quốc học Huế, nơi Bác Hồ đã có thời gian học tập.
Cổng trường Quốc học Huế, nơi Bác Hồ đã có thời gian học tập.
Đại học Huế cũng là một công trình của Pháp.
Đại học Huế cũng là một công trình của Pháp.

Về nhà nghỉ, tắm táp và nghỉ ngơi một lúc và nghĩ: ra kiếm quán xá gì ở đây ăn và đi một vòng quanh khu phố mới, thay vì đi sang kia cầu để ngắm thành như buổi chiều.

Cái đầu tiên là làm món cơm, bún hến các kiểu. Tên quán rất kêu nhé: Nở. Tên như vậy thôi, chị chủ quán chả “nở” tý nào, mà lại nhiệt tình, vui vẻ nói chuyện với mình. Nghe đồn cơm hến ngon lắm, ngon đến mức mà có một bà đại gia ở Sài Gòn, gốc Huế thèm ăn quá nên bảo đệ tử đi máy bay đến Huế, mua cơm hến tại đúng quán mà bà ý chỉ định rồi bay về luôn. Đồn như vậy nhưng khi ăn nói thật, mình thấy nó… quá bình thường. Nghe từ “cơm hến” thì thường liên tưởng tới sẽ là cực cực kỳ nhiều hến, nhưng ai ngờ được có mấy con hến mà lại to cỡ gấp 10 lần… đầu que tắm.

Quán “Nở” chuyên hến!
Quán “Nở” chuyên hến!
Bún hến ở quán chị "Nở"
Bún hến ở quán chị “Nở”

Một thân một mình đi qua mấy con phố chính của Huế ở bên phía bờ sông “hiện đại”. Ờ, công nhận là ở Huế này thanh bình thật, tầm 8 giờ tối đã chả có mấy người đi lại, phố phường vắng tanh, nếu có thì chỉ là các bạn thanh niên. Lúc đi cũng hồi hộp phết, đang cầm cái điện thoại cũng tương đối xịn trong người, chỉ sợ anh nào nhảy ra đòi xin tý “huyết” thì mệt. May là không có gì! Đi vòng vòng rồi lại quay về phố chính Lê Lợi, tưởng rằng sẽ sáng sủa hơn nhưng đèn đường cũng tắt, thình thoảng chỉ có một vài khách du lịch đi bộ hoặc là đi xích lô. Các công nhân vệ sinh cũng đổ ra đường quét dọn lá cây, và cũng có những người đi tìm nguồn thu nhập ngay trong đêm tối. Ừ, cuộc sống mà, Huế đẹp thì cũng có người nghèo khổ và có những góc không được tự hào lắm.

Thân cò lặn lội khi quãng vắng…
Thân cò lặn lội khi quãng vắng…

Lê lết về đến nhà nghỉ, chân cẳng mỏi nhừ, chỉ được cái tự hào là… luyện tập thể dục kha khá. Nghỉ ngơi, ngày mai làm một chuyến đi thăm quan Hoàng Thành và các địa điểm lân cận.

2 trả lời trong “BT#3: Huế yên bình”

Leave a Reply to Việt AnhCancel reply