Chuyên mục
Chia sẻ

“Ăn mày dĩ vãng” và suy nghĩ trong mình

Sau mấy ngày vật vã vì chưa quen việc, vì bị ốm đau đủ thứ bệnh linh tinh, vì bận rộn toàn những việc đâu đâu thì hôm nay đã có chút thời gian thảnh thơi để viết vài dòng về truyện “Ăn mày dĩ vãng” của nhà văn Chu Lai.

Truyện này mình biết đến cách rất là lâu rồi, có lẽ phải 6, 7 năm khi mà nghe nhà văn Chu Lai trò chuyện gì đó trên truyền hình. Thực ra lúc đấy mình không rõ là chuyện viết về cái gì, nhưng cũng đoán được đại khái đó là viết về chiến tranh. Mà lúc đó hình như cũng xác định là phải đọc quyển này bằng được nhưng… chưa biết là khi nào thôi.

Và cách đây hơn tháng khi tham dự một cái hội chợ hàng cũ thì mình thấy có bạn bán quyển sách này với giá giảm 50% thì phải. Thế là quyết mua luôn. Hài hước ở chỗ hôm đó cô bạn đi làm cùng mình thì mua về toàn quần áo (vì rẻ mà), mình thì lại toàn ôm sách về, trong đó có cả sách thiếu nhi cho thằng cháu nghịch ngợm nữa (cũng vì rẻ luôn).

Vòng vèo thế có lẽ đủ rồi.


Theo ý kiến cá nhân, mình thấy truyện cuốn hút chả kém gì mình hồi đọc Harry Potter cả. So sánh có vẻ khập khiễng quá. Cốt truyện xuyên suốt là về một tình yêu của một đôi nam nữ xuyên chiến tranh, từ những ngày còn nằm vùng, bám đất, khi mà sự sống cái chết chỉ là trong tích tắc tới những ngày đầu đất nước đổi mới.

Câu chuyện thì buồn lắm, buồn từ đầu tới tận khi kết thúc câu chuyện. Nhưng chính cái sự buồn đó mà giúp mình hiểu hơn những lời mà bố mình thỉnh thoảng vẫn nói ở nhà, hay một số rất ít người mà mình thỉnh thoảng vẫn được nghe.

Truyện "Ăn mày dĩ vãng" của nhà văn Chu Lai.
Truyện “Ăn mày dĩ vãng” của nhà văn Chu Lai.

Đấy chiến tranh thì chiến tranh, có phải ông chiến sỹ nào cũng là anh hùng đâu. Sợ chết nó đã bản năng rồi thì chuyện đào ngũ, chiêu hồi hay thậm chí cố cho mình bị thương để được đưa lại Bắc để mà còn được sống thì nó cũng chả có gì lạ. Đấy nói đến chuyện bị thương, bố mình thỉnh thoảng vẫn đùa: hồi đấy mà không bị thương, thì chắc đánh tiếp thì có lẽ chả còn quay lại Bắc này để mà có mấy đứa rồi.

Sợ chết đã đành rồi, nhưng mà cũng chiến tuyến với nhau, ăn ở, oánh nhau cùng nhau mà vẫn có những “đồng chí” chỉ giỏi võ mồm, ra trận thì nhát như cáy, nhưng lại tiến đều đều. Đó, ngay trong thời chiến tranh, huy động từng hạt gạo của dân thì ở ngay ở tuyến đầu trận mạc thì cũng có những ông chỉ có biết chỉ đạo mà chẳng có thực tế, và ngược lại có những người sống tốt quá, tình nghĩa quá thì cứ khổ hoài. Thế bảo sao, mà ngay cả hiện tại nhiều người vẫn thích làm “cô Cám” hơn là “cô Tấm”. Thật buồn.

Đánh nhau thì đánh nhau chứ tình yêu, thậm chí là tình dục, nó cũng có thiếu được đâu. Vì rằng, có oánh nhau thì con người vẫn là con người, dù có hung tợn đến đâu thì cái phần “người” vẫn còn.

Rồi chuyện Bắc Nam đố kỵ nhau, tư tưởng vùng miền ngay cả khi còn đang trong khói lửa tới khi hòa bình rồi, nó đúng là một cái gì đó thật nhiễu nhương. Trước bố kể mình chả tin, nhưng đọc xong truyện thì đúng thật, về chả dám cự nự lại nữa.

Và buồn nữa là: những người lính đó đã sống, đã hy sinh vì tuổi trẻ và sức thanh xuân của mình cho một cuộc chiến rất là phi lý, một cuộc chiến “nồi da nấu thịt” đó thì xứng đáng được sống, được hưởng hạnh phúc cho quãng thời gian còn lại. Vậy mà trong câu chuyện này thì được mấy người, và ngoài đời thì liệu bao nhiêu phần trăm số cựu chiến binh không phải sống cơ cực, bần hàn đây.

Chiến tranh thì chiến tranh, nhưng mà cả hai bên chiến tuyến thậm chí là cả người Mỹ, có ai muốn vào trận đâu, có ai dám nói là tôi không sợ chết đâu. Nhưng cái buồn nhất đó là nếu đất nước mình có một chút may mắn, từng vị lãnh đạo của hai miền quyết đoán hơn thì có lẽ đã không có một cuộc chiến tàn khốc như vậy, một cuộc chiến mà khi nói đến Việt Nam cả thế giới chỉ liên tưởng tới hai từ “chiến tranh”. Chỉ vì thói hẹp hòi, ích kỷ, tính toán con đường quan lộ mà hàng triệu người dân Việt đã ngã xuống và là con tốt không hơn kém của các vị đó và các bộ óc tính toán đến chiến lược toàn cầu này nọ. Là người Việt ai lại không xót xa chứ?

Và mình cũng thấy hài hước khi bây giờ vẫn còn rao giảng chiến thắng vĩ đại của đất nước, thống nhất non sông. Ừ thì vĩ đại thật, thì thắng cả Mỹ cơ mà, nhưng mà Việt Nam mất gì: mất ít nhất 3 triệu người con ưu tú.

Gửi phản hồi