Chuyên mục
Chia sẻ

Tiểu thuyết “Bay trên tổ chim cúc cu”

Quyển này mình được tặng vào đầu năm 2013. Mình đã cố đọc vài lần nhưng không đọc được vì không thể hiểu cái chuyện về một nhóm người điên thì có gì hay ho mà lại thành kiệt tác? Nhưng nó được list vào danh sách 100 sách được recommend bởi BBC hay một trang báo nổi tiếng nào đó, nên mình chỉ biết là sẽ đọc một ngày nào đấy. Và ngày đó là chuyến đi vượt Thái Bình Dương của mình gần đây khi mình dành thời gian để đọc quyển tiểu thuyết này trên máy bay hay những lúc rảnh rỗi.

Đọc cuốn tiểu thuyết này trong lúc chờ nối chuyến.

Ngoài những đánh giá và bình luận rất nhiều trên mạng thì có vài điểm nổi bật với mình:

  • Phần giới thiệu tác giả thì khá thú vị: tác giả có thời gian làm việc tại một khu điều trị tâm thần và tham gia làm vật thí nghiệm trong chương trình ảnh hưởng của chất kích thích lên người. Những điều đó giúp tác giả rất nhiều trong việc viết lên cuốn tiểu thuyết này.
  • Thực sự là khoảng 20% đầu hơi khó đọc, nhưng về sau thì càng dễ gần hơn và mình bắt đầu hiểu được mọi chuyện diễn ra như thế nào.
  • Nhân vật chính cứ tưởng (và mình khi đọc cũng nghĩ vậy) là mọi người bị đàn áp như vậy là do họ “bị” đưa đến đây như hắn. Hoá ra không phải, đa số họ đến là hoàn toàn tự nguyện, rồi ở lại cũng là tự nguyện dù cho bị hành hạ đến nhường nào. Họ bị coi là không thể hoà nhập vào thế giới bên ngoài nên họ sợ hãi với thế giới bên ngoài, dù bên trong này cũng chẳng tốt đẹp gì nhưng vẫn còn hơn khi có người khác chấp nhận họ.
  • Đọc đến đoạn cả nhóm đi câu cá biển thực sự là sảng khoái và buồn cười. Thế mới thấy, ai cũng cần có sự cảm thông và thấu hiểu. Đó, họ là những người bị coi là bỏ đi trong xã hội, nhưng khi có một người thực sự quyết tâm và nhiệt tình thì những cảm xúc và suy nghĩ của họ thật mãnh liệt. Họ còn làm được cả những điều mà những người khác còn phải khâm phục — bằng chứng là có một nhóm cà khịa họ trước khi rời cảng biển thì đến khi quay lại phải thán phục vì thành quả của họ. Các đoạn khác thì căng thẳng, đoạn này thực sự làm mình phải bật cười khúc khích khi đang ngồi trên máy bay.
  • Kết thúc cuối đương nhiên là buồn với sự ra đi của nhân vật chính. Nhưng hành động của nhân vật “tôi” để nhân vật chính ra đi — lấy gối làm cho nhân vật chính ngạt thở mà chết — cũng đáng khâm phục và có sự thấu hiểu đối với nhân vật chính. Câu cuối cùng “Đã lâu tôi chưa về thăm quê” như là một chương mới cho nhân vật “tôi” khi “tôi” chiến thắng chính mình và tìm lại được bản ngã của mình.
  • Tự dưng mình lại nghĩ: liệu có phải những người gọi là mắc bệnh thần kinh thì có thể là do trí tưởng tượng của họ cao hơn người bình thường nhưng lại không tiết chế được để miêu tả nó với người xung quanh? Nếu vậy thì dường như những người này có trạng thái của những người bình thường sử dụng chất kích thích mọi lúc dù họ không cần đến những thứ đó?

Vài link có review khá hay và chính xác với cảm nhận của mình:

Gửi phản hồi