Chuyên mục
Chia sẻ

Sách “Flow – dòng chảy”

Một tháng qua mình dành thời gian để hoàn thành cuốn sách này. Mình được một người bạn giới thiệu, sau đó thấy ở hiệu sách nên đọc luôn bản tiếng Việt. Về sách dịch này, một hai chương đầu đọc hơi ngang, dịch bị cứng, cảm giác như là dịch từng từ và người dịch không hiểu rõ thứ mình đang dịch. Tuy nhiên, các chương về sau thì khá ổn, các từ khó thì người dịch có để lại từ tiếng Anh kèm theo và viết đúng là… có “flow” hơn.

Table of Contents

Suy nghĩ của mình về sách

Nhìn chung đây là một cuốn sách self-help (dạng hạt giống tâm hồn) để tìm hiểu về những khoảnh khắc được gọi là trải nghiệm tối ưu, hay trong sách viết ngắn gọn flow (dòng chảy). Qua đó, chúng ta có thể tạo ra và quản lý các khoảnh khắc đó, và giảm bớt các sự rối loạn trong tâm trí. Một điểm khá thú vị, mặc dù là một cuốn sách phương tây với một loạt dẫn chứng khoa học, cách tiếp cận của cuốn sách để đạt các trạng trái flow đó lại tương đồng với các phương pháp thuần phương Đông như yoga hay thiền. Một điểm hay của cuốn sách, như những cuốn sách hay khác theo phong cách phương Tây, tác giả xem xét vấn đề từ nhiều khía cạnh, từ sinh học, tâm lý, thần kinh, cho tới văn hoá, giáo dục, gia đình, công việc rồi tôn giáo để làm rõ sự ảnh hưởng tới kết quả “trải nghiệm tối ưu”.

Đọc sách xong thì… mình bớt ảo tưởng rằng mình rất khác biệt với đại đa số mọi người, kiểu như mình rất hay chán, làm công việc lặp đi lặp lại một thời gian là muốn nghỉ việc, đôi lúc mọi thứ ổn thì mình lại cảm thấy có gì đó không bằng lòng, v.v. Nhưng hoá ra, đại đa số mọi người đều có nhu cầu, mong muốn, và hành động như vậy dù cách thể hiện khác nhau, cách tư duy khác nhau, và kết quả vượt qua những “nghịch cảnh” đó cũng khác nhau. Điểm quan trọng cuối cùng đúng thực sự là vẫn ở mình, nhận thức được vấn đề đó, và điều chỉnh ở mình. Ví dụ, ngày xưa khi nhìn một khung cảnh tương tự như tấm hình ở đây, mình không cảm nhận được gì nhiều, nhưng giờ nhìn lại ảnh thôi mình cũng tràn đầy lâng lâng.

Tuy nhiên, lại quay trở lại câu chuyện điều độ. Đam mê cái gì đó quá, từ bia rượu, chất kích thích, tới thể thao… mà quên hết những thứ khác thì có thể liên tục đạt được các trạng thái flow. Nhưng… xong nó lại có xu hướng bị nhờn và dần dần mất đi cảm nhận đó. Do vậy, lạm dụng mọi thứ đều dần cho kết quả trái ngược so với ban đầu, và… đặc biệt khó để thích nghi với cuộc sống thông thường. Điều này lại làm mình nhớ tới suy nghĩ tương tự khi viết lại về quyển “Bay trên tổ chim cúc cu”:

Tự dưng mình lại nghĩ: liệu có phải những người gọi là mắc bệnh thần kinh thì có thể là do trí tưởng tượng của họ cao hơn người bình thường nhưng lại không tiết chế được để miêu tả nó với người xung quanh? Nếu vậy thì dường như những người này có trạng thái của những người bình thường sử dụng chất kích thích mọi lúc dù họ không cần đến những thứ đó?

Nên đọc sách ở lứa tuổi nào?

Về cá nhân mình thì mình nghĩ là tầm 25 tới 30 tuổi là phù hợp để đọc sách, khi mà mình đã có nhiều trải nghiệm hơn về cuộc sống. Từ trải nghiệm là một đứa trẻ luôn tràn đầy năng lượng nhưng bị bố mẹ o ép làm trong những điều bị đóng khung, tới một cô cậu thanh niên bước qua ngưỡng 18 tuổi – tràn đầy khí thế với cuộc đời, rồi bị sấp mặt với cuộc sống thực tế khi ra khỏi cánh cửa đại học.

Còn nếu không phải ở trong khung tuổi đó thì bất kỳ thời điểm nào khác cũng đều tuyệt vời để đọc cuốn sách này. Thực sự là một cuốn sách đáng đọc để bản thân mình vượt qua những ngày không hiểu sao mình có trạng thái tồi tệ, chủ động với cuộc sống, và tạo ra nhiều khoảnh khắc “trải nghiệm tối ưu” cho mình.

Trích dẫn lại một số đoạn hay

Sách có nhiều đoạn hay và dưới đây là những đoạn mình đã highlight trong cuốn sách mình đã đọc.

Do đó, các hoạt động mang tính thưởng thức tạo ra trải nghiệm dòng chảy có một khía cạnh tiêu cực tiềm tàng: trong khi chúng có khả năng cải thiện chất lượng cuộc sống bằng cách tạo ra trật tự trong tâm trí, chúng có thể gây nghiện, tại đó, cái tôi trở thành tù nhân của một kiểu trật tự nhất định và vì vậy không muốn đương đầu với những mơ hồ của cuộc sống nữa.

Người ta không thể thích làm cùng một việc, với cùng một cấp độ, trong một thời gian dài. Chúng ta sẽ dần cảm thấy chán hoặc nản chí và khi đó khát khao được tận hưởng thú vui một lần nữa sẽ thúc đẩy chúng ta nâng cao những kỹ năng của mình, hoặc khám phá những cơ hội mới để sử dụng chúng.

Yếu tố cốt lõi trong thử nghiệm của nước Mỹ với nền dân chủ chính là biến sự mưu cầu hạnh phúc trở thành một mục tiêu chính trị có ý thức – thực sự là một trách nhiệm của chính phủ. Mặc dù tuyên ngôn độc lập có thể là văn bản chính trị chính thức đầu tiên để nêu ra mục tiêu này một cách rõ ràng nhưng hẳn đúng là không từng có hệ thống xã hội nào tồn tại lâu dài trừ khi người dân của xã hội đó có một chút ít niềm hy vọng rằng chính phủ sẽ giúp họ có được hạnh phúc. Đương nhiên, có nhiều nền văn hóa áp chế mà quần chúng sẵn sàng chịu đựng bất chấp những người cai trị cực kỳ tồi tệ. Nếu những người nô lệ xây kim tự tháp hiếm khi nổi loạn, đó là bởi vì so sánh với những lựa chọn thay thế mà họ quan sát được, thì việc lao động như những nô lệ cho Pharaoh chuyên quyền cho họ một tương lai có phần đáng hy vọng hơn.

Về mặt nguồn gốc, “người nghiệp dư” (amateur) trong động từ tiếng La-tinh amare, nghĩa là “tình yêu”, đề cập đến một người yêu thích những gì anh ta đang làm. Tương tự, “người tài tử” (dilettante), xuất phát từ tiếng La-tinh delectare, nghĩa là “tìm thấy niềm vui”, tức là một người cảm thấy thích thú trong một hoạt động nhất định. Do đó, ý nghĩa sớm nhất của những từ này đã tập trung vào trải nghiệm hơn là thành tựu; chúng mô tả các phần thưởng chủ quan mà các cá nhân đạt được từ việc thực hiện hành động đó thay vì tập trung vào việc họ đạt thành tựu tốt đẹp ra sao.

Sự tham gia gián tiếp này có thể che giấu, ít nhất là tạm thời, sự trống rỗng tiềm ẩn của thời gian bị lãng phí. Nhưng nó là sự thay thế cực kỳ nhạt nhẽo cho sự chú ý được đầu tư vào những thử thách thật sự. Trải nghiệm dòng chảy xuất phát từ việc sử dụng các kỹ năng dẫn đến sự phát triển; còn những phương pháp giải trí thụ động chẳng đưa chúng ta về đâu cả.

Tại sao cô độc là một trải nghiệm tiêu cực đến vậy? Câu trả lời mâú chốt là việc giữ trật tự trong tâm trí từ bên trong là rất khó. Chúng ta cần các mục tiêu bên ngoài, những kích thích bên ngoài, phản hồi bên ngoài để điều hướng sự chú ý. Và khi thiếu đầu vào bên ngoài, sự chú ý bắt đầu lang thang và những suy nghĩ trở nên hỗn loạn.

Nhiều nghệ sĩ đương đại trải nghiệm thuốc gây ảo giác với hy vọng tạo ra các tác phẩm có tính ám ảnh huyền diệu như những câu thơ trong Kubla Khan (Hốt Tất Liệt) của Samuel Coleridge’, vốn được cho là đã được sáng tác dưới ảnh hưởng của cồn thuốc phiện. Tuy nhiên, sớm hay muộn, họ cũng nhận ra rằng sự cấu thành của bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào cũng đòi hỏi một đầu óc tỉnh táo. Công việc được thực hiện dưới ảnh hưởng của chất kích thích sẽ thiếu sự phức tạp mà chúng ta mong đợi từ tác phẩm nghệ thuật chất lượng tốt – vốn nhắm đến sự rõ ràng và tự do. Một ý thức thay đổi về phương diện hóa học có thể đưa ra những hình ảnh, suy nghĩ và cảm xúc khác thường mà sau này, khi sự tỉnh táo trở lại, người nghệ sĩ có thể sử dụng. Điều nguy hiểm là khi trở nên phụ thuộc vào hóa chất để làm khuôn mẫu cho tâm trí, anh ta có nguy cơ đánh mất khả năng tự kiểm soát nó.

Cậu thiếu niên bắt đầu lo lắng vẻ ngoại hình, sự nổi tiếng và cơ hội của mình trong cuộc sống. Để đẩy lùi những cuộc xâm nhập này, cậu phải tìm một thứ khác để chiếm cứ ý thức của mình. Viết học hành sẽ không làm được điều đó, vì học hành quá khó, Các cô cậu tuổi vị thành niên sẵn sàng làm hầu hết mọi thứ để giải thoát tâm trí của mình khỏi tình huống này, với điều kiện là nó không mất quá nhiều năng lượng tinh thần. Giải pháp thông thường là quay trở lại nhịp sống quen thuộc của âm nhạc, tivi hoặc bè bạn để giết thời gian.

Khi hai con người lựa chọn tập trung sự chú ý vào nhau, cả hai sẽ phải thay đổi thói quen của mình; kết quả là mô hình ý thức của họ cũng sẽ phải thay đổi. Kết hôn đòi hỏi một sự định hướng lại triệt để và vĩnh viễn các thói quen của sự chú ý. Khi một đứa trẻ được thêm vào đời sống của cặp đôi, cả hai người làm cha mẹ phải điều chỉnh lại lần nữa để đáp ứng nhu cầu của đứa trẻ: thời gian ngủ của họ phải thay đổi, họ sẽ ra ngoài ít hơn, người vợ có thể từ bỏ công việc của mình, họ có thể phải bắt đầu tiết kiệm tiền cho việc học hành tương lai của đứa trẻ.

Khả năng tiếp nhận bất hạnh và tạo ra điều gì đó tốt đẹp từ nó là một món quà cực kỳ hiếm có. Những người sở hữu món quà này được gọi là “kẻ sống sót” và được cho là có “khả năng tự phục hồi” hay “có lòng dũng cảm”.

Một phần, khả năng này là sản phẩm của một giai đoạn nào đó: đã từng thất vọng và từng sống sót qua sự tuyệt vọng, trẻ vị thành niên lớn tuổi hơn biết rằng một tình huống có thể không hề tồi tệ như vẻ ngoài của nó vào thời điểm nó diễn ra. Một phần, chúng biết rằng những người khác đã đi qua những vấn đề tương tự và họ có thể giải quyết chúng. Việc nhận biết được rằng sự đau đớn của con người là một điểm chung sẽ đóng góp một cái nhìn toàn cảnh quan trọng cho cái cách tự cho mình là trung tâm của giới trẻ.

Nói cách khác, các mục tiêu đã duy trì hành động trong một khoảng thời gian hóa ra không có đủ sức mạnh để mang lại ý nghĩa cho toàn bộ cuộc đời.

Người sáng tạo khác biệt so với người khác theo nhiều cách khác nhau, nhưng có một phương diện mà tất cả họ cùng nhất trí: Họ đều yêu thích những gì mình làm. Không phải niềm hy vọng đạt thành danh tiếng hay tiền bạc đang thúc đẩy họ, đúng hơn là, cái thúc đẩy họ là cơ hội được làm những gì mình yêu thích.

Gửi phản hồi